Nhà báo Hùng Lý - Huỳnh Vạn Lý. Ông trút hơi thở cuối cùng khi chỉ còn 5 ngày nữa kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Huỳnh Hùng Lý và con trai, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Cách đây mấy tháng, số Xuân báo Đại Đoàn Kết Bính Thân 2016, tôi có viết một bài khá dài về hai cây bút báo Mặt trận tuổi 90: Nhà báo Thái Duy và nhà báo Hùng Lý. Báo Đại Đoàn Kết rất vui. Tết vừa rồi được mừng tuổi hai cây bút thượng thọ đại thụ của mình, một trong Nam, một ngoài Bắc. Và mọi người mong hai ông trường thọ hơn nữa!
Thế mà giờ đây, một ông đã ra đi: Nhà báo Hùng Lý- Huỳnh Vạn Lý. Ông trút hơi thở cuối cùng khi chỉ còn 5 ngày nữa kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Bến Tre, mảnh đất ba cù lao đã sinh ra nhiều cây bút tài hoa trên văn đàn cũng như trên làng báo. Hùng Lý cầm bút rất sớm. Ở tuổi 20, ông đã có bài đăng báo. Ông viết nhiều và phong phú thể văn báo chí khác nhau, dù bài lớn, bài nhỏ, ông đều viết với tinh thần trách nhiệm cao, cả nội dung và ngôn ngữ.
Thời chống Pháp, ông là Thư ký tòa soạn báo Nhân Dân miền Nam. Những năm này, năm 1953, ông còn cho xuất bản một cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều cán bộ, chiến sĩ lúc bấy giờ, tác phẩm “Chiến đấu viên họ Trần” (gần đây được tái bản). Thời chống Mỹ, Hùng Lý là cây bút chủ lực của báo Nhân Dân trước khi đảm nhận chức trách Chủ bút tờ báo đối ngoại xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam: “Miền Nam Việt Nam chiến đấu” (Sud Vietnam Enlute), đồng thời là Bí thư báo chí của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông tháp tùng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trong nhiều chuyến công du nước ngoài và dự thảo diễn văn giúp Chủ tịch.
Một thời gian dài, ông là cây bút chủ lực của Ban miền Nam báo Nhân Dân, chuyên về đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà., trước khi được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc, chuẩn bị về miền Nam công tác. Suốt mấy năm liền, ngày cũng như đêm, ông cùng đồng nghiệp miệt mài bám sát diễn biến tình hinh miền Nam để kịp thời thông tin, bình luận.
Tổng Biên tập báo Nhân Dân Hoàng Tùng nói về ông: “Nhạy bén về chính trị, thành thạo nghề nghiệp, anh chọn tin có giá , bình luận sắc về sự kiện. Những bài viết của anh có hồn, hấp dẫn và định hướng dư luận phù hợp với quan điểm của Đảng. Anh có ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm người cầm bút, người bình luận viên của báo- cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng. Nhiều tin, bình luận, xã luận do Hùng Lý viết tác động nhanh chóng đối với dư luận xã hội ở cả hai miền và có tiếng vang ra nước ngoài qua Thông tấn xã và Đài phát thanh”.
Từ tháng 5/1975 đến đầu năm 1980, nhà báo Hùng Lý viết một loạt bài về những ngày đầu miền Nam giải phóng đăng trên tờ Giải Phóng và Đại Đoàn Kết. Trong tập báo tư liệu, còn giữ rất nhiều số đăng bài của ông, xin nhắc vài tựa đề ông viết cách đây 40 năm với cương vị là Ủy viên Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết: “Những giờ phút lịch sử của giai đoạn mới”; “Chung bầu sữa mẹ” (Viết về Hội nghị Hiệp thương thống nhất Tổ quốc); “Mùa xuân mở đầu từ Hội trường Ba Đình lịch sử” (viết về kỳ họp Quốc hội chung cả nước); “Rạng rỡ niềm tin” (viết về Đại hội lần thứ 6 của Đảng); “Thành phố Hồ Chí Minh vào trận mới” (viết về sự đổi mới của thành phố) “Vấn đề lương thực ở Đồng Nai” và bài chuyên luận dài về công tác Mặt trận trong những ngày đầu miền Nam giải phóng…
Cuối năm 1980, ông nghỉ hưu. Từ đó không phải viết bài theo nhiệm vụ chính trị được giao nữa, ông viết tự do, viết những gì ông ấp ủ mà lúc đương chức chưa có thời gian thực hiện... Ông thường nói “Cây bút già- còn viết được còn có niềm vui”. Và Bến Tre, nơi ông sinh ra, gắn bó cả tuổi thơ rồi trưởng thành và tham gia kháng chiến. Ông cũng đã viết nhiều bài về Bà Rịa-Vũng Tàu-Côn Đảo, nơi ông coi như quê hương thứ hai của mình.
Mỗi năm ông về Bến Tre vài lần và lần nào cũng có bài viết mới. Dường như ông muốn bù đắp những gì đó cho quê hương xứ sở mà trong suốt những năm xa xứ, ông ít có điều kiện trực tiếp đóng góp cho mảnh đất chôn nhau cắt rún của mình. Hồi mới đi kháng chiến, mình đã luôn nhớ quê, nhớ nhà, lo việc lớn, nên đành gác lại. Càng cao tuổi, nỗi nhớ ấy càng da diết hơn. Là người gần cả đời sống xa quê, ông mong có dịp góp một phần, dù chưa phải lớn với quê hương.
Ông bà Hùng Lý có 4 người con, 2 trai, 2 gái đều đã thành đạt. Hai người con trai là Huỳnh Dũng Nhi và Huỳnh Dũng Nhân, cả hai đều là nhà báo có tên tuổi. Huỳnh Dũng Nhi là Phó Tổng Biên tập báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bà Rịa-Vũng Tàu. Huỳnh Dũng Nhân, nhiều độc giả đã biết anh là một “cây phóng sự” báo chí, Tổng Biên tập tạp chí “Nghề báo”. Bà Lý Thị Hoa, thường gọi thân mật là Hoa Lý, người bạn đời của ông Hùng Lý đã từng công tác ở báo Nhân Dân, báo Giải Phóng, báo Đại Đoàn Kết. Tôi xin kể dài dòng một chút để nói gia đình Hùng Lý là một gia đình báo chí.
Được tin nhà báo Huỳnh Hùng Lý qua đời, từ Hà Nội, nhà báo Thái Duy gọi vào cho tôi chỉ nói ngắn gọn: “Cùng tuổi nhau, nhưng ông Hùng Lý đi trước tao. Biết làm sao được quy luật khắc nghiệt của đời người. Nhưng ra đi ở tuổi 90 ngày trước hiếm lắm, nhưng bây giờ cũng không phải nhiều. Và mày nên nhớ điều này: Ông Hùng Lý đã trải qua 2 cuộc kháng chiến tròn 30 năm! Điều đó quý lắm! Chắc ông ấy sẽ thanh thản nơi sương khói mây trời xa thẳm. Tao tin như vậy!”.
Trần Thanh Phương
Chia buồn Nhà báo Huỳnh Văn Nhâm tức Huỳnh Hùng Lý, Huỳnh Vạn Lý, sinh ngày 6/8/1927 tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, nguyên Thư ký tòa soạn báo Nhân Dân miền Nam, Vụ trưởng thuộc CP.72 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN, Tổng Biên tập báo Sud Vietnam Enlute, nguyên Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân và báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, đã từ trần lúc15 giờ 50 phút ngày 16/6/2016 (ngày 12 tháng 5 năm Bính Thân), thọ 90 tuổi. Linh cữu quàn tại nhà riêng 1246/5, đường Lê Văn Lương, ấp 3, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè. TP HCM. Lễ viếng từ ngày 17/6/2016, lễ động quan lúc 8 giờ ngày 20/6/2016, hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước, quận 8, TP HCM. Ban Biên tập cùng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Đại Đoàn Kết xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến bà Lý Thị Hoa,cùng toàn thể gia quyến. Đại Đoàn Kết |