Nhận định trên tờ Financial Times, ngày 4/12, cho rằng chính quyền tương lai của ông Joe Biden đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó rất quan trọng là những người Tổng thống đắc cử Joe Biden có ý định chọn vào Hội đồng An ninh Quốc gia. Vì điều đó cho thấy chính sách đối ngoại của chính quyền ông Joe Biden sẽ dành ưu tiên cho châu Á.
1. Trước đó, ông Joe Biden từng nhiều lần tuyên bố châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mở ra cơ hội lớn, nhưng cũng là nơi lợi ích và giá trị của Mỹ đang bị thách thức mạnh.
Công việc chọn nhân sự đặc trách châu Á nhiều khả năng sẽ được giao cho Jake Sullivan - người mới được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, dù ai giữ vị trí này cũng sẽ phải đối mặt với một thực tế: quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng, phức tạp hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump và so với thời điểm ông Biden vẫn còn là Phó Tổng thống 4 năm trước. Một khi lên nắm quyền, ông Biden sẽ phải đối diện với một loạt các vấn đề nhạy cảm.
Một khả năng đang được nói đến là ý tưởng chỉ định 3 quan chức cấp cao có cấp tương đương với Giám đốc chính sách tại Hội đồng An ninh Quốc gia, chuyên theo dõi 3 khu vực địa lý ở châu Á - Thái Bình Dương. Cả ba người này đều nằm dưới quyền chỉ đạo của quan chức đặc trách châu Á - một dạng đặc phái viên. Như vậy, một người sẽ theo dõi tình hình Trung Quốc, một người điều phối quan hệ Mỹ - Ấn và người còn lại đặc trách tình hình Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Tới thời điểm hiện tại, Jeff Prescott, quan chức trong đội chuyển giao quyền lực của ông Biden, là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ mới phụ trách châu Á.
Theo giới chuyên gia am hiểu chính sách đối ngoại, việc lựa chọn thêm một nhân sự “đặc trách” châu Á tại Nhà Trắng hay Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ giúp ông Biden tránh vấp phải những sai lầm trong chính sách châu Á của ông Obama.
2. Cùng với chính sách đối ngoại, truyền thông Mỹ rất lưu ý đến chính sách thương mại của ông Joe Biden, một khi ông chính thức làm chủ Nhà Trắng.
Theo ông Joe Biden, riêng trong lĩnh vực thương mại sẽ rất ít khả năng thay đổi - ít nhất là giai đoạn đầu nắm quyền. Tờ New York Times ngày 3/12 đưa tin, ông Biden cho biết ông sẽ không hành động ngay lập tức để hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Tổng thống đương nhiệm Trump đã ký với Trung Quốc; bao gồm vấn đề thuế quan. Như vậy, Mỹ sẽ duy trì mức thuế 25% hiện đang áp dụng đối với hàng hóa công nghiệp và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc đồng ý tăng mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ ít nhất 200 tỷ USD trong năm 2020 và năm 2021. Trung Quốc hiện cũng đang áp mức thuế tương tự đối với hàng hóa trị giá 100 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.
Ông Biden cũng cho rằng, ông sẽ không theo đuổi chính sách ngoại giao “thất thường” khiến nước Mỹ rơi vào tình thế đơn độc. Có lẽ, ưu tiên đầu tiên của chính phủ mới sẽ là bắt tay chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) – 27 quốc gia cũng đã bị Mỹ áp một loạt biểu thuế quan mới dưới thời Tổng thống Trump, và đang vướng vào nhiều tranh chấp với Mỹ về các vấn đề từ ngành hàng không đến thuế kỹ thuật số.
Trong khi đó, tờ Financial Times đưa tin Brussels (nơi EU đóng trụ sở) đang thực hiện kế hoạch khôi phục quan hệ đối tác với Washington.
Theo Hiến pháp nước Mỹ, Tổng thống đắc cử (ông Joe Biden) sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021 và kể từ thời điểm đó, ông sẽ có rất nhiều việc phải bắt tay ngay trong 100 ngày đầu tiên (theo truyền thống của các Tổng thống trước đó). Vì rằng 100 ngày đầu tiên của một vị tân Tổng thống Mỹ đã trở thành một dấu mốc quan trọng đánh dấu những gì chính quyền mới làm được kể từ khi Tổng thống Franklin Roosevelt đặt ra tiêu chuẩn này khi ông nhậm chức vào năm 1933.
Giống như nhiều vị tiền nhiệm, ông Joe Biden đã cam kết về một loạt thay đổi sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Có thể tóm lược những cam kết chính như sau:
-Về biến đổi khí hậu: Ông Biden đã tuyên bố rất rõ rằng một trong những hành động đầu tiên của ông tại Nhà Trắng sẽ là đưa nước Mỹ gia nhập trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố trước Liên hợp quốc về ý định rút khỏi Thỏa thuận từ năm 2017).
-Kiểm soát đại dịch Covid-19: Trong khi nước Mỹ vẫn đang ghi nhận trên 100.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, ông Biden đã thiết lập một đội ngũ cố vấn khoa học nhằm đưa đại dịch vào tầm kiểm soát. Cựu Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy và cựu Ủy viên Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Mỹ David Kessler được chỉ định là đồng chủ tịch ban cố vấn này. “Công việc của chúng tôi bắt đầu với việc đưa Covid vào tầm kiểm soát” - ông Biden cam kết và rằng “kế hoạch chống dịch sẽ được xây dựng trên nền tảng khoa học, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn”.
-Khôi phục kinh tế, giải quyết nạn thất nghiệp: Từ trước khi tuyên bố chiến thắng, ông Biden đã nói rõ khôi phục kinh tế là một trong những ưu tiên đầu tiên trong danh sách việc cần làm của một Tổng thống Mỹ. “Trên 20 triệu người Mỹ đang thất nghiệp. Hàng triệu người lo lắng tìm việc và mang được thức ăn về nhà”, ông Biden nói và khẳng định: “Kế hoạch kinh tế của chúng tôi sẽ tập trung vào một cuộc hồi phục mạnh mẽ”.
-Quan hệ quốc tế: Ông Biden cũng sẽ đối mặt với nhiệm vụ hàn gắn mối quan hệ với khắp các lục địa vốn đã bị lỏng lẻo.
-Vấn đề nhập cư: Nói với NBC News, ông Joe Biden cho biết: “Vào ngày đầu tiên, tôi sẽ gửi dự luật cải cách nhập cư tới Quốc hội để đưa ra lộ trình trở thành công dân Mỹ cho 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ, những người đóng góp rất nhiều cho đất nước này. Chính sách nhập cư của tôi được xây dựng dựa trên việc giữ các gia đình gắn kết với nhau, hiện đại hóa hệ thống nhập cư bằng cách duy trì sự thống nhất và đa dạng của gia đình như là trụ cột của hệ thống nhập cư và chấm dứt chính sách tàn nhẫn, vô nhân đạo ở biên giới khi tách trẻ em khỏi vòng tay mẹ của chúng”.
Các vấn đề khác về chủng tộc, giới tính cũng sẽ được xem xét trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Joe Biden.
Tất nhiên, đó là dự định, còn thì vẫn phải đợi đến ngày 20/1/2021 khi ông Joe Biden chính thức là ông chủ của Nhà Trắng.