Ông Phạm Thế Duyệt- nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên hành trình Vì người nghèo của Mặt trận bắt đầu được khởi xướng từ năm 2000 đến nay.
PV:Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện vào năm 2000 đã có một hành trình dài. Ông đánh giá hành trình đó như thế nào từ khi ông còn là Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN cho đến nay?
Ông Phạm Thế Duyệt: Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu thiên niên kỷ của cả thế giới chứ đừng nghĩ là chỉ có của người Việt Nam mình. Bác Hồ thì nói sâu sắc ước muốn: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tôi nhớ là thời điểm trước khi tôi đảm nhận cương vị Chủ tịch Mặt trận, có các đồng chí ở Bộ Chính trị bây giờ không còn nữa khi gặp tôi lúc nào cũng nói thôi làm thế nào thì làm cũng phải phấn đấu không còn người nghèo, xóa được người nghèo thì mới là chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên các đồng chí ấy cũng không hiểu đơn giản thế, nhưng đó là ước muốn, là quan điểm, đường lối của Đảng ta. Thực hiện chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp thì phải suy nghĩ xem làm thế nào để giảm nghèo ngày càng bền vững thì chính sách và đường lối mới đúng được. Đảng, Bác Hồ, các thế hệ lãnh đạo trong công việc lúc nào cũng phải nghĩ đến một cái đích đến sau chiến tranh, sau giải phóng, sau đổi mới là cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân. Trong việc phấn đấu đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc trước hết phải làm được chính là lo cho dân hết nghèo. Phải khơi dậy quyết tâm của toàn Đảng toàn dân mới có thể có hiệu quả được.
Và cái được lớn nhất của Cuộc vận động, thưa ông, sau ngần ấy năm có lẽ không phải chỉ dừng lại ở việc đã quyên góp được bao nhiêu tiền cho người nghèo?
- Vấn đề cơ bản của Cuộc vận động của Mặt trận là nó tác động đến toàn bộ xã hội và nhận được sự hưởng ứng của nhân dân. Cái đó rất là quan trọng về tư tưởng nhận thức. Để biến quan điểm, chủ trương của Đảng thành những chính sách và việc làm cụ thể. Ngần ấy năm từ 50-60% dân số nghèo bây giờ chỉ còn trên dưới 10%. Như thế phải nói thực sự là một sự tiến bộ rất lớn. Cái đó là công lao của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân. Tôi không nghĩ công đầu của Mặt trận nhưng phải thấy Cuộc vận động tạo ra một sự quyết tâm chung của toàn Đảng, toàn dân. Tôi thấy cái được lớn nhất của Cuộc vận động Ngày vì người nghèo là tạo chuyển biến về nhận thức để từ những người lãnh đạo cao nhất của đất nước đến những người dân bình thường, ai cũng phải nghĩ đến việc chăm lo cho người nghèo.
Thưa ông, đúng là có một sự chuyển biến trong toàn xã hội, có thể thông qua Mặt trận có thể không, nhưng những năm qua, công tác từ thiện phát triển rộng khắp…
- Tôi muốn nói cái được nhất là được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc. Ai cũng nghĩ phải hành động quyết liệt tùy ở cương vị của mình. Từ cương vị Chính phủ, cương vị Mặt trận, cương vị đoàn thể, cương vị của các tôn giáo, cương vị của các địa phương, của nhân dân, của từng gia đình. Đó là cái được lớn nhất nhờ đó mới tạo nên một sức mạnh tổng hợp chung. Sức lan tỏa của Cuộc vận động trở thành phong trào rộng khắp ở các đoàn thể, các ngành, các giới, hình thành rất nhiều quỹ và chương trình giúp đỡ người nghèo. Đây không phải để kể công Mặt trận, nhưng mà từ Cuộc vận động này tạo thành những sáng kiến trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo của toàn xã hội. Tạo sự chuyển biến cả về chính sách, Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo…
Tôi đánh giá cao quyết tâm của toàn dân. Và nói không khách sáo thì với tư cách nguyên là Chủ tịch Mặt trận thời kỳ ấy tôi đến hôm nay vẫn thấy phải cảm ơn sự hưởng ứng của nhân dân, của các đoàn thể, các cấp chính quyền, cám ơn sự phối hợp tích cực của Chính phủ, Nhà nước để Cuộc vận động ấy có sự lan tỏa và đạt được những thành công.
Nhớ về những năm đầu tiên triển khai Cuộc vận động Ngày vì người nghèo, đâu là những hình ảnh sâu sắc đối với ông?
- Có lẽ, không ai không nhớ ngày đầu tiên, lần đầu tiên tất cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước đến Mặt trận để bỏ phong bì ủng hộ người nghèo. Sâu sắc lắm!
Tôi không bao giờ quên đêm 31/12 năm đầu tiên, đêm “Nối vòng tay lớn” – ngày Tết của người nghèo – với những hình ảnh trên truyền hình cực kỳ xúc động ở cả 5-6 đầu cầu truyền hình.
Những năm đầu tiên có Cuộc vận động, đồng bào ta ở nước ngoài, cụ Lũy ở bên Mỹ, các bà con Việt kiều ở Liên bang Nga, bà con Việt kiều ở Liên bang Đức… đâu cũng gửi tiền về.
Trong những ngày này, chúng ta cũng đang xúc động với tình cảm đồng bào cả nước chung tay ủng hộ phòng chống Covid-19 và hướng về người nghèo mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phát động trong tháng cao điểm Vì người nghèo của năm 2020 này. Thưa ông, bên cạnh ủng hộ và cứu trợ, cần chính sách như thế nào để người nghèo thoát nghèo bền vững?
- Mặt trận đi làm nhà Đại đoàn kết thì không phải là mục tiêu chính. Mà qua đó, tạo nhận thức chung, tạo quyết tâm chung. Cái gì cũng chờ Nhà nước làm thì làm sao kịp! Mà cả xã hội phải chung tay, cái được đó mới lớn.
Có lần họp Bộ Chính trị, tôi đã nói, nếu có cách làm như tinh thần Điện Biên Phủ thì việc giải quyết vấn đề người nghèo, nhà ở cho người nghèo sẽ rất nhanh. Sức mạnh Điện Biên Phủ là tổng hợp 3 thứ quân, gạo thồ từ Thanh Hóa lên Điện Biên chứ đâu có phải chỉ nhờ đại bác mà có chiến thắng Điện Biên Phủ. Xóa đói giảm nghèo cũng phải được làm với tinh thần ấy. Tập hợp hết toàn lực, toàn Đảng, toàn dân. Bao nhiêu vạn doanh nghiệp, ai cũng có lòng hảo tâm sâu sắc thật; bao nhiêu các đồng chí lãnh đạo các cấp, được hưởng lương, hưởng chế độ quyết tâm thật thì tự nhiên sẽ có xung lực lớn lắm.
Hơn một lần tôi nói, nếu ai tiêu sai một đồng của người nghèo cũng là có tội với dân. Tôi nói như một lời thề. Còn điều thứ hai, để thấy xóa đói giảm nghèo là gian khổ. Cái việc ta làm được đã nhiều, và các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội quyết tâm nữa. Nhưng mà vấn đề làm thế nào để giúp đỡ cho nhân dân biết cách để mà tự mình vươn lên, mà học tập nhau xóa đói giảm nghèo mới là quan trọng. Bởi vì không ai làm thay được. Cái chỗ đó là chỗ quan trọng.
Bây giờ nhiều nơi, báo chí đề cập, nhưng tuyệt đối đừng lạm dụng ngôn từ mà nói ý như những người nghèo người ta sống ỷ lại. Cái đó có nhưng chắc chắn không phổ biến. Người Việt Nam ta rất tự trọng, không thể xúc phạm người ta được.
Trong xóa đói giảm nghèo, có những trường hợp phải coi là trường hợp xã hội phải lo liệu, không thể nào tự thân thoát nghèo được. Lao động không có, điều kiện, cơ sở gia đình không có gì cả. Làm sao cứ bảo đừng cho con cá, phải cho cần câu! Nhưng cần câu họ không biết câu. Cho nên có những trường hợp rất cần sự tỉ mỉ. Có những thứ trợ cấp xã hội phải chăm lo trong đó có cả khám chữa bệnh, học hành, đừng bảo người ta, đừng nói ngôn từ theo nghĩa để người ta tủi thân, phải giúp đỡ thật sự.
Phải làm rõ từng trường hợp cụ thể chứ đừng nghĩ ai cũng tự lực cánh sinh được cả! Những vấn đề giáo dục y tế, chăm lo đời sống của dân, chăm lo đời sống tinh thần, văn hóa… đều là những vấn đề lớn, phải thực sự có chính sách đúng, giúp đỡ cho người nghèo. Tuyệt đối đừng biến giáo dục, y tế bị thương mại hóa. Tôi nói rất nhiều lần rồi, thương mại hóa, lạm dụng chữ xã hội hóa để biến y tế, giáo dục thành thương mại hóa thì là người sai lầm. Thế cho nên đừng lạm dụng!
Thưa ông, ông có cho rằng trong chính sách xóa đói giảm nghèo cần có sự ưu tiên, chú trọng cho từng vùng đất cụ thể, từng con người cụ thể vì những đặc điểm địa lý, vùng đất và văn hóa khác nhau?
- Có chứ, tôi nói ví dụ, qua thực tế, đồng bào miền Trung của chúng ta rất khổ. Lúc làm cách mạng thì kiên cường gian truân, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Tôi là người đi khá nhiều. Mỗi trận bão xong thiệt thòi, thiên nhiên không có ưu đãi như ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ, miền Đông Nam bộ, thậm chí điều kiện khắc nghiệt có khi còn hơn cả Tây Nguyên. Tây Nguyên đất đai rộng, đây thì hẹp, bão lũ. Năm nào cũng bị hết cơn này cơn khác. Những người nào giỏi, có tài, thì đều làm việc cống hiến ở các thành phố lớn. Đấy là một vấn đề thực tế cần nhìn nhận cho đúng. Qua chính sách, phong trào, tôi nghĩ mình làm sao có đầu tư đích đáng, có hiệu quả. Đừng chủ quan là có công trình, có dự án về những khu vực ấy là đã giúp xóa đói giảm nghèo. Ví dụ bao nhiêu công trình thủy điện nhỏ đua nhau làm ở miền Trung có giúp dân bớt nghèo không? Chúng ta có nghĩ đến lợi ích của dân không? Tất cả những thứ đó có kinh nghiệm rồi, hãy từ những cái đó, kinh nghiệm đó mà suy nghĩ về xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh miền Trung.
Hãy suy nghĩ cách chăm lo cho người nghèo, làm nhà cho người nghèo phải nên như thế nào. Thà ít nhưng mà tốt, làm đâu được đấy, chắc chắn đấy. Gia đình nào khó khăn giải quyết trước, gia đình nào chính sách giải quyết trước. Tất cả những cái đó tôi thấy rất cần!
Cuối cùng, theo ông, chăm lo cho người nghèo cần chú trọng như thế nào để đảm bảo công bằng, mọi người nghèo đều có cơ hội như nhau?
- Mọi người nghèo đều phải chăm lo, cũng có những trường hợp nên được ưu tiên trước nhưng đừng lệch. Phải có phương pháp để huy động nguồn lực các địa phương, các doanh nghiệp. Tôi đánh giá rất cao đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong việc chung tay Vì người nghèo. Nhưng cũng phải nói, không phải mọi doanh nhân đều đã sẵn lòng. Vì ở nước mình mấy chục vạn doanh nhân, doanh nghiệp huy động được hết nguồn lực này là cũng rất lớn.
Tôi rất hoan nghênh cuộc vận đồng Ngày vì người nghèo vẫn tiếp tục được Mặt trận tiếp nối và ngày càng làm tốt. Đó thực sự là một phong trào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân hết sức quan tâm.
Xóa đói giảm nghèo là việc khó, không thể ngày một ngày hai hoàn thành nhưng cũng đừng nghĩ đó là việc quá lâu dài. Những tỉnh, huyện, xã sau mấy chục năm giải phóng mà vẫn còn tỷ lệ người nghèo lớn thì không thể nói là bình thường được! Cố gắng làm gì thì cũng phải lấy đích hiệu quả và thiết thực làm phương châm, phải làm cho được.
Ngày vì người nghèo là việc làm thiết thực, mang lại hiệu quả cho nhân dân!
Xin trân trọng cảm ơn ông!