Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga cắt giảm chi tiêu quốc phòng vì nước này đã vượt qua giai đoạn “đỉnh điểm của hiện đại hóa”.
Tổng thống Putin trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Nga năm 2016. (Ảnh: Sputnik).
Phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ Nga hôm 11/11, Tổng thống Putin cho biết việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng là do Nga đã vượt qua giai đoạn “đỉnh điểm của hiện đại hóa”. Điều này cho phép chính phủ Nga phân bổ nguồn lực ít hơn cho quốc phòng, nhưng vẫn duy trì mức độ phòng thủ tương tự.
“Việc cắt giảm (chi tiêu quốc phòng) không có nghĩa là chúng ta bỏ qua vấn đề này, mà bởi thực tế là đã đạt được những sáng kiến chủ đạo liên quan tới sự cần thiết của việc bảo đảm an ninh quốc gia, cũng như sự cần thiết của việc đổi mới thiết bị và khí tài quân sự, chúng ta đã vượt qua đỉnh cao của những công việc đó”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng ngành công nghiệp quân sự của Nga cần tiếp tục nỗ lực để chế tạo các thiết bị công nghệ cao và mang tính cạnh tranh, không sản xuất các sản phẩm dân dụng công nghệ thấp như thập niên 1990.
Ông Putin cũng chỉ đạo chính phủ chuẩn bị các kế hoạch “rõ ràng và dễ hiểu” nhằm đưa các doanh nghiệp quốc phòng vào quá trình hiện đại hóa các dự án quốc gia, đồng thời chuẩn bị các sáng kiến của chính phủ nhằm cải thiện các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, khoa học, phát triển con người.
“Điều cần thiết là phải đảm bảo việc sử dụng nghiêm ngặt và có mục đích nguồn ngân sách được phân bổ cho việc mua sắm thiết bị và máy móc. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta phải hoàn toàn minh bạch trong vấn đề này. Các dòng quỹ cần phải được giám sát rõ ràng ở mọi cấp độ của chính phủ và áp dụng cho mọi hình thức chi tiêu ngân sách”, ông Putin nói thêm.
“Nga không bị kéo vào chạy đua vũ trang”
Tháng trước, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới với Mỹ.
Theo ông Putin, dù Nga chỉ chi 48 tỷ USD cho quốc phòng và đứng thứ 7 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Anh, Pháp và Nhật Bản, song Moscow vẫn sở hữu “năng lực quân sự không có đối thủ” do các kỹ sư quốc phòng và chuyên gia Nga “tập trung vào nghiên cứu các lĩnh vực ưu tiên”.
“Một cuộc chạy đua vũ trang là điều tồi tệ và sẽ không tốt cho thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không bị lôi kéo vào các trò chơi chi tiêu ngân sách đắt đỏ”, Tổng thống Putin nói.
Đầu năm nay, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, một viện nghiên cứu độc lập tập trung vào xung đột và giải trừ vũ khí, ước tính NATO đã chi hơn 1 nghìn tỷ USD cho quân sự vào năm 2018. 7 nước thành viên NATO nằm trong danh sách 15 quốc gia đứng đầu thế giới về tổng ngân sách quốc phòng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 10 thông báo liên minh này cần chuẩn bị tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng của các nước thành viên, và dự kiến 100 tỷ USD ngân sách sẽ được bổ sung vào năm 2020.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn gây sức ép buộc các nước thành viên NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. Các nhà lập pháp Mỹ cũng phê chuẩn kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng năm 2019 lên 686 tỷ USD, so với 667,6 tỷ USD năm ngoái.
Ngoài ra, chính quyền Trump cũng tiếp tục chương trình nâng cấp lực lượng hạt nhân của Mỹ, kéo dài 30 năm với kinh phí 1.000 tỷ USD, đồng thời giám sát các hoạt động triển khai quân đội và tập trận của NATO dọc biên giới của các nước NATO với Nga.