Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trở thành người tố giác, tiết lộ các hoạt động gián điệp bất hợp pháp do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện, đã sống ở Nga từ năm 2013. Snowden bị truy nã tại Mỹ với tội danh gián điệp và phản quốc.
Ngày 15/8, phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ xem xét về khả năng ân xá cho Edward Snowden, một cựu nhân viên CIA và nhà thầu NSA, người đã trốn khỏi Mỹ sau khi làm rò rỉ tài liệu mật. Tố cáo Cơ quan An ninh Quốc gia thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu công dân Mỹ.
Ông Trump tuyên bố, ông "không nắm rõ được tình hình hiện tại của Snowden" nhưng ông "sẽ xem xét nó".
Trước đó không lâu, vào tháng 4 năm nay, Snowden- người đã sống ở Nga từ năm 2013, đã nộp đơn xin gia hạn giấy phép cư trú ở Nga thêm ba năm.
Năm 2019, Snowden tuyên bố, anh sẽ trở lại Mỹ nếu được đảm bảo một phiên tòa xét xử công bằng về tội gián điệp.
Vào tháng 9/2019, Snowden đã xuất bản cuốn hồi ký “Bản ghi vĩnh viễn”. Cùng tháng, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện Snowden với cáo buộc cựu sĩ quan tình báo đã vi phạm các thỏa thuận không tiết lộ thông tin của NSA mà anh đã ký trước khi làm việc ở đây.
Trong đơn kiện, nhà chức trách Mỹ đã nêu, vì Snowden trở nên nổi tiếng do chiếm đoạt thông tin của chính phủ nên anh ta không có quyền hưởng lợi nhuận từ dữ liệu được xuất bản trong cuốn hồi ký.
Tháng 6/2013, Snowden đã giao cho các tờ báo The Washington Post và Guardian một lượng lớn tài liệu tuyệt mật về các chương trình giám sát hàng loạt thu thập dữ liệu qua điện thoại, email và internet của gần như tất cả người dân Mỹ, bất chấp việc luật pháp Mỹ cấm theo dõi người Mỹ khi không có lệnh của tòa án.
Sau tiết lộ của Snowden, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do vào năm 2015, hạn chế đáng kể tính hợp pháp của việc thu thập dữ liệu hàng loạt về công dân Mỹ.