Ông trưởng thôn hơn 50 năm gắn bó với nghề mộc

Cẩm Kỳ 17/04/2023 09:15

Đến làng nghề truyền thống mộc Phổ Trường (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), ông Trần Đức Tỵ không chỉ được nhắc đến là người trưởng thôn gương mẫu, mà còn là người luôn phát huy và gìn giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Ông Trần Đức Tỵ.

Trong những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm đền xưởng gỗ của ông Trần Đức Tỵ (67 tuổi, trú tại thôn Trường An, xã Xuân Phổ) - người có hơn 50 năm theo nghề truyền thống mà cha ông để lại. Lớn lên trong gia đình có ông và cha đều là những người thợ lành nghề làm mộc, ông Tỵ sớm được tiếp xúc với các dụng cụ khoan, đục… mùi hương của gỗ và âm thanh của máy bào, máy cưa đã hằn sâu trong tâm trí ông.

“Bản thân tôi từ bé đã được theo phụ cha làm nghề mộc. Lúc đó tôi được làm từ những việc nhỏ như đánh giấy nhám, hỗ trợ cha khoan, đục… rồi làm những việc khó hơn như tiện khắc, phun sơn. Những lúc đi cùng, tôi đã được cha chỉ dạy trực tiếp các kỹ năng khi làm nghề. Những kinh nghiệm của tôi đều được học từ cha mà không qua một trường lớp đào tạo nào” - ông Tỵ nhớ lại.

Theo ông Tỵ, nghề mộc không khó nhưng để trở thành một người thợ lành nghề và chế biến những thớ gỗ thô thành sản phẩm đạt độ chính xác, tinh xảo và tính thẩm mỹ cao thì không hề dễ dàng. “Trước đây, khi chưa có các loại máy móc hiện đại như bây giờ, các công đoạn được làm thủ công như xe gỗ, khoan, cưa đục… chạm trổ hoa văn, đánh bóng sản phẩm đòi hỏi phải người thợ tay nghề cao, có tính cẩn thận và kiên nhẫn” - ông Tỵ nói.

Khi tay nghề đã vững, ông Tỵ cùng nhiều thợ trong làng đã đạp xe đi khắp nơi từ trong đến ngoài tỉnh để nhận làm những sản phẩm đồ gỗ dân dụng hay dựng những căn nhà gỗ thô sơ. Sau đó, ông Tỵ đã tích góp đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị và mở một xưởng mộc có quy mô tại thôn Trường An. Xưởng mộc của gia đình ông Tỵ là một trong những cơ sở lớn trong làng với 4 lao động chính có thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Vào những thời điểm đơn hàng nhiều, xưởng của ông còn phải thuê thêm nhiều lao động thời vụ.

Trong giai đoạn hiện nay, sản phẩm đồ gỗ công nghiệp với mẫu mã đa dạng, hình thức đẹp mắt đang phát triển không thua kém với gỗ truyền thống. Bởi vậy, để có thể cạnh tranh trên thị trường, gia đình ông phải thường xuyên cập nhật những xu hướng mẫu mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là luôn giữ chữ tín trong nghề.

“Nhiều sản phẩm trước đây chủ yếu làm bằng gỗ thì nay được thay thế bằng nhiều loại vật liệu khác nhau. Thế nhưng, đồ gỗ vẫn có những đặc trưng riêng, đó là tạo sự sang trọng, mát mẻ cho ngôi nhà và tôi tin, giữ được uy tín thì mộc Phổ Trường vẫn sẽ có đất sống” - ông Tỵ nói.

Năm 2019, ông Trần Đức Tỵ được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Trường An. Trong những năm qua, ông luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong thôn để rồi cùng ban lãnh đạo thôn đưa ra các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho bà con.

“Ông Tỵ luôn theo sát tâm tư, nguyện vọng của bà con, ông cũng là người luôn đi đầu trong phong trào chỉnh trang nông thôn, thường xuyên tham gia các công việc chung và vận động người dân thực hiện khuôn viên vườn tược, nhà ở, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh” - bà Nguyễn Thị Mai (56 tuổi, trú tại thôn Trường An) cho hay.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Xuân Chương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ cho biết, năm 2016, nghề mộc nơi đây được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là “nghề truyền thống mộc Phổ Trường”. Điều này đã tiếp thêm động lực cho người dân đầu tư, phát triển thương hiệu nghề truyền thống của địa phương.

“Ông Trần Đức Tỵ là người trách nhiệm cao với công việc, đặt lợi ích chung của thôn lên hàng đầu, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, ông cũng là tấm gương về phát triển kinh tế, góp phần giữ nghề mộc truyền thống của địa phương” - ông Chương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông trưởng thôn hơn 50 năm gắn bó với nghề mộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO