Nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 30km, Pa Thơm là xã vùng ngoài lòng chảo thung lũng Mường Thanh, có 27km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Toàn xã có 270 hộ dân với gần 1.300 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Lào, Cống, Khơ-mú. Những năm qua, cuộc sống của người dân xã Pa Thơm dần ổn định, ấm no và từng bước chuyển minh.
Từ cửa ngõ vào thung lũng xã Pa Thơm, dễ dàng nhận ra bản Pa Xa Xá được quy hoạch là những dãy nhà sàn tựa lưng vào núi, phía trước bản là “vựa” lúa nước rộng lớn - nơi cung ứng gần như toàn bộ lương thực cho toàn xã. Thế mạnh của bản Pa Xa Xá của cộng đồng dân tộc Khơ-mú là chăn nuôi lợn, trâu và trồng lúa. Còn với bản Pa Xa Lào của đồng bào dân tộc Lào thì được quy hoạch gồm nhiều dãy nhà truyền thống xây dựng song song, đường vào sâu trung tâm bản là những trục đường thẳng tắp. Tại bản Pa Xá Lào, nhiều năm trước đây, tầng trệt của căn nhà truyền thống thường được nuôi nhốt gia súc, gia cầm thì nay đã được xây dựng kiên cố, chuyển đổi mục đích sử dụng để ở hoặc dùng cất chứa nông cụ, lúa ngô… Thế mạnh của bản Pa Xa Lào là trồng lúa nước, nuôi cá, kinh doanh dịch vụ và đặc biệt phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Ông Lò Văn Liên - Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Trước đây, do trình độ canh tác, thâm canh lạc hậu, trình độ dân trí thấp, các điều kiện khí hậu, đất đai, đường sá giao thông bất lợi nên việc phát triển kinh tế và nhiều mặt khác trên địa bàn hết sức khó khăn. Nhiều năm nay không còn xảy ra tình trạng đói giáp hạt đối với các bản khó khăn nữa. Kinh tế gia đình phát triển do người dân biết lựa chọn cây, con phù hợp nhu cầu tiêu dùng của thị trường, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học vào chăn nuôi, sản xuất. Niềm vui lớn nhất đối với bà con nơi đây là đã có trạm xá, khi ốm đau người dân được đến khám, điều trị chứ không như trước đây do nhận thức kém chỉ ở nhà cúng bái. Hệ thống trường mầm non, dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở được xây dựng ngay trên địa bàn, giúp nhu cầu học tập, theo đuổi con chữ của trẻ em các dân tộc được đáp ứng đầy đủ. Hàng năm, xã có 100% số trẻ trong độ tuổi mầm non đến lớp, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; số học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt từ 95%.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, đến hết năm 2017, xã Pa Thơm sẽ đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới. Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều dự án, chương trình được thực hiện đã tạo ra những cú hích quan trọng để xã Pa Thơm có tiền đề, động lực để phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đảm bảm an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới. Đặc biệt, khi cầu treo Púng Pon đưa vào sử dụng đã giúp cho bà con dân tộc Cống đi lại thuận lợi hơn, tạo điều kiện thông thương kinh tế với trung tâm xã dễ dàng.
Đến nay, xã Pa Thơm đã có hơn 80% hộ được sử dụng điện sinh hoạt, có ti vi và xe máy; các thôn, bản đều được dùng nước nước sạch; hơn 90% số hộ gia đình có nhà ở khang trang, kiên cố. Hiện tổng diện tích trồng cây lương thực toàn xã đạt gần 300ha, trong đó diện tích thâm canh lúa nước 2 vụ được mở rộng lên gần 100ha; diện tích lúa vụ mùa 57ha, năng suất 52 tạ/ha; lúa nương 64ha, năng suất đạt 20 tạ/ha; lương thực bình quân đầu người hơn 630kg/năm; thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/năm. Địa bàn có tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 15.000 con... Với các mô hình kinh tế kết hợp như trang trại, chăn nuôi gia súc, vườn rừng, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.