PAPI sẽ tiếp tục góp phần giúp hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Tiến Đạt 12/04/2023 13:15

Ngày 12/4,Hội nghị công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tại Việt Nam đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân năm 2022 cho thấy số liệu, chưa có tỉnh/thành phố nào thực hiện tốt việc phổ biến và thực thi đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng.

Báo cáo tổng quan về kết quả đo lường chỉ số PAPI năm 2022 nêu rõ, đối với chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương, các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có xu hướng đạt kết quả tốt hơn. Trong khi đó, các tỉnh đạt điểm thấp hơn tập trung nhiều hơn ở khu vực Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đáng khích lệ là có 18 tỉnh/thành phố đạt mức điểm cao hơn đáng kể, và khoảng điểm của cả nước tăng nhẹ so với năm 2021. Phân tích sâu hơn cho thấy việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân vẫn còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh/thành phố. Người dân cho rằng giá bồi thường thu hồi đất thấp hơn so với giá giao dịch trên thị trường.

Công bố Chỉ số PAPI tại Việt Nam năm 2022.

Số liệu cũng cho thấy chưa có tỉnh/thành phố nào thực hiện tốt việc phổ biến và thực thi đầy đủ Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, chỉ có khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho biết đã nhận được thông tin họ cần. Mức độ tin tưởng của người dân vào việc lập danh sách hộ nghèo còn thấp ở hầu hết các tỉnh/thành phố, trong khi chưa có cải thiện rõ rệt nào trong công khai thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã so với năm 2021.

Với Chỉ số nội dung 4 về "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", nhiều tỉnh/thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long vươn lên nhóm ‘cao’; trong khi nhiều tỉnh/thành phố thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên lại ở trong nhóm ‘thấp’. So với kết quả năm 2021, 7 tỉnh/thành phố gồm Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Điện Biên có mức gia tăng về điểm đáng kể trong năm 2022.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, 14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có những tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, đối với MTTQ Việt Nam, Chỉ số PAPI là những con số “biết nói”, chuyển tải thông điệp từ cảm nhận, suy nghĩ và ý nguyện của người dân, là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Năm qua, PAPI đã thành công trong việc tiếp cận và lấy ý kiến của 16.117 người dân trên 18 tuổi. Đây là một con số kỷ lục của nghiên cứu PAPI kể từ năm 2009. Trong số đó, gần 1.200 là người tạm trú tại 12 tỉnh, thành có tỉ suất nhập cư ròng dương, góp phần bảo đảm tính đại diện hơn của mẫu khảo sát PAPI, bổ sung dữ liệu từ một trong những nhóm người dân yếu thế nhất đó là người tạm trú ở các địa phương tiếp nhận nhập cư nội địa.

Đại biểu tham dự Hội nghị.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, MTTQ Việt Nam có cam kết cao trong việc tham gia và hỗ trợ PAPI vì mục tiêu của chương trình nghiên cứu có mối quan hệ chặt chẽ với quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận, trong đó có việc góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Luật Thực hiện dân chủ cơ sở mới được ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2023.

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và chiến dịch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước triển khai rộng khắp, dẫn tới những biến động chưa có tiền lệ trong hệ thống bộ máy Nhà nước, nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, Chỉ số PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới nền quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn.

“Trong thời gian tới, PAPI sẽ tiếp tục góp phần giúp hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mang tính dân chủ, xây dựng, khoa học và thực tiễn hơn. Chương trình nghiên cứu PAPI sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế tại Việt Nam để có thể tiếp nối các thành tựu của 14 năm qua, đóng góp vào quá trình đổi mới sáng tạo trong khu vực công và sự phát triển của Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PAPI sẽ tiếp tục góp phần giúp hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO