“Hơn 10 năm tôi làm nghiên cứu về thực vật, từ những ngày học tiến sĩ về ngành Di truyền Phân tử Thực vật tại Viện Khoa học và Công nghệ NARA ở Nhật cho đến khi về công tác tại ĐH Quốc tế, lúc nào tôi cũng cảm thấy rất yêu thích công việc của mình. Ngoài gia đình, thì nghiên cứu khoa học là tình yêu lớn nhất của tôi” - PGS.TS Nguyễn Phương Thảo chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (ngoài cùng bên phải).
Bén duyên với khoa học
PGS.TS Nguyễn Phương Thảo là một trong những chuyên gia hàng đầu về công nghệ sinh học phân tử trên đối tượng thực vật tại Việt Nam. Nói về con đường đến với lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật, PGS. TS Nguyễn Phương Thảo nhớ lại khi chị học cấp 3 tại trường Amsterdam Hà Nội đã may mắn được truyền cảm hứng từ thầy giáo dạy môn Sinh. Những bài giảng của thầy khiến cho cô học trò thấy Sinh học là môn học thú vị nhất.
Từ đó Phương Thảo quyết định thi tuyển vào ngành Sinh học của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Do ở trong trường lúc bấy giờ chưa có nhiều cơ sở vật chất để làm thí nghiệm, Thảo chủ động xin thực tập ở Viện Công nghệ Sinh học từ năm thứ hai ĐH. Bắt đầu ở một phòng thí nghiệm thực vật, Thảo bén duyên luôn với lĩnh vực này từ lúc ấy.
Đến nay, sau hơn 10 năm nghiên cứu, chị đã xuất bản nhiều công trình, bài báo trên các tạp chí trong nước và hơn 20 công trình trên các tạp chí uy tín quốc tế, trong đó bao gồm hai tạp chí Sinh lý Thực vật (Plant Physiology) và Tế bào Thực vật (The Plant Cell) với chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor) cao nhất trong khối tạp chí về thực vật. Hiện chị đang công tác tại ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM).
Đam mê nghiên cứu khoa học, PGS Thảo chia sẻ cũng có những lúc chị đã cảm thấy rất băn khoăn khi quyết định trở về Việt Nam làm việc. Chị kể lại, quá trình học tập ở Nhật khá thành công với nhiều bài báo xuất bản trên các tạp chí nghiên cứu uy tín hàng đầu về nghiên cứu thực vật nên vào thời điểm đó chị rất tin vào khả năng nghiên cứu khoa học của mình và nghĩ rằng có thể bắt đầu xây dựng một nhóm nghiên cứu tương tự ở ĐH Quốc tế.
“Nhưng lúc bắt tay vào thực hiện rồi tôi mới nhận thức được rõ ràng để vận hành một nhóm nghiên cứu, kĩ năng làm thí nghiệm chỉ là một phần nhỏ. Khi còn là nghiên cứu sinh, tôi được nâng đỡ trên vai những người khổng lồ nên mọi chuyện thuận lợi và đơn giản hơn rất nhiều. Công việc của một trưởng nhóm nghiên cứu đòi hỏi cả sự quyết đoán khi theo đuổi các đề tài khoa học, kĩ năng viết bài, sự độc lập, và nhất là cần có cơ sở vật chất tốt. Vào thời điểm tôi bắt đầu thì các dụng cụ thí nghiệm tại ĐH Quốc tế còn rất sơ khai và quỹ nghiên cứu dành cho những nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam cũng khan hiếm” - PGS Thảo nhớ lại.
Để vượt qua được những thử thách kể trên, chị học cách sử dụng và quản lý nguồn kinh phí cũng như quỹ thời gian một cách hiệu quả hơn. Với vai trò là giảng viên, chị dành rất nhiều thời gian cho việc giảng dạy và tư vấn cho sinh viên sau giờ học. Thay vì tự mình làm hết tất cả thí nghiệm, chị tập trung đào tạo các bạn sinh viên cho thật giỏi và phân công thí nghiệm cho các bạn ấy. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các bạn trong nhóm của PGS Thảo đã dần quen với việc nghiên cứu và bắt đầu xuất bản nhiều bài báo trên các tạp chí uy tín của thế giới.
“Sinh viên là niềm tự hào và động lực của tôi”
Đó là chia sẻ của PGS Thảo sau 7 năm gắn bó với công tác giảng dạy ở trường ĐH Quốc tế. Ban đầu, chị từng nghĩ rằng mình chỉ thích duy nhất công việc trong phòng thí nghiệm nhưng khi tham gia giảng dạy, chị nhận ra được nhiều giá trị đáng quý của công việc này, và rất yêu thích những giờ phút được tiếp xúc và truyền cảm hứng, truyền niềm yêu thích đến các bạn sinh viên. Ngược lại, sự trẻ trung và vui vẻ của các em cũng lan truyền đến giảng viên.
PGS Thảo chia sẻ với các môn học chị phụ trách, giáo án được phát triển dựa trên giáo án có từ trước hoặc do chị tự soạn ra và thay đổi hàng năm để phù hợp với sở thích cũng như định hướng nghề nghiệp của sinh viên. Thông qua việc trao đổi trực tiếp với sinh viên cũng như thực hiện các bài kiểm tra ngắn trước mỗi bài giảng nhằm đánh giá mức độ hiểu bài của từng sinh viên, học viên, PGS Thảo hi vọng việc truyền đạt kiến thức đến đạt được hiệu quả cao nhất. Cuối mỗi khoá học, sinh viên sẽ tham gia đánh giá về môn học đó, giúp giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong thời gian tới, PGS Thảo dự định sẽ tìm cách ứng dụng thêm các công nghệ vào việc giảng dạy.
Với những sinh viên PGS Thảo trực tiếp hướng dẫn, chị đề cao niềm yêu thích công việc và tinh thần trách nhiệm cũng như tính chăm chỉ. Hiện chị tập hợp được một nhóm nghiên cứu nhỏ, chưa đến 5 thành viên, nhưng bạn nào cũng rất đam mê khoa học. Nhóm đang triển khai hai hướng nghiên cứu chính.
Đầu tiên là hướng nghiên cứu ứng dụng, với mục tiêu là tạo ra những giống cây trồng chuyển gen có khả năng chống chịu được các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ví dụ như đất ngập mặn. Việc đất biển xâm lấn ở vùng Tây và Nam Trung Bộ đang là mối đe doạ rất lớn cho nông nghiệp ở Việt Nam, chị hi vọng có thể giúp được cho người nông dân trong tương lai gần. Cây trồng chủ lực trong nghiên cứu của chúng tôi là cây đậu tương. Đây là một đề tài trong khuôn khổ hợp tác với Viện RIKEN ở Nhật.
Bên cạnh hướng này, nhóm cũng tiến hành các nghiên cứu khoa học căn bản trên cây Arabidopsis, một mô hình được sử dụng rộng rãi trong ngành di truyền phân tử thực vật bằng cách dùng loại cây này để tìm hiểu chức năng của các gen trong thực vật. Trong điều kiện hiện tại ở nước ta, nghiên cứu căn bản thực sự không phải là hướng đi tối ưu nhất, nhưng để phát triển khoa học một cách bền vững, ngoài việc ứng dụng kiến thức, PGS Thảo cho rằng cần thiết phải sản sinh ra kiến thức.