Thực tiễn đa dạng của đời sống văn học, nghệ thuật đang đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ lý luận phê bình. Tuy nhiên nhìn thẳng vào thực tế, đội ngũ lý luận phê bình hiện nay đang vừa yếu, vừa thiếu trên nhiều lĩnh vực. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cho rằng: Nhân tố con người, yếu tố đội ngũ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu và cấp thiết để bù đắp khoảng trống của đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.
PV: Thưa ông, tôi muốn bắt đầu cuộc trò chuyện xoay quanh hai bộ phim điện ảnh “Bố già” và “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành gần đây gây hiện tượng phòng vé và được công chúng đón nhận. Tuy nhiên với giới làm phim thì còn khá nhiều ý kiến trái chiều. Chính vì thế rất cần ý kiến của các nhà phê bình điện ảnh nhưng chỉ có một vài bài viết. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
PGS.TS NGUYỄN THẾ KỶ: Trước hết là đội ngũ lý luận phê bình điện ảnh hiện nay cũng khá mỏng và thực ra là họ cũng dè chừng hay thậm chí là ngại khi lên tiếng trước những hiện tượng như thế. Phim của Trấn Thành là một hiện tượng về điện ảnh. Tôi đã đi xem cả hai phim này với tư cách của một người nghiên cứu, chứ không phải là chỉ một khán giả bình thường.
Tôi thấy cái mới trong phim của Trấn Thành là sự gần gũi, mạnh mẽ, có hơi thở cuộc sống và khá sinh động. Nhiều bộ phim khác chúng ta làm quá kỹ lưỡng dẫn đến việc làm mất đi cái tính sinh động của đời sống. Phim của Trấn Thành cho người xem cảm thấy như đang tham gia đúng vào ngôi nhà đó, vào sự việc đó, kể cả tiếng động đã chạm vào cảm nhận của người xem, kéo họ vào trong cuộc.
Phim của Trấn Thành khá chất lượng, nhưng để trở thành "đỉnh" thì chưa đủ. Nếu có đỉnh cao thì chỉ có thể gọi là đỉnh cao về doanh thu thôi. Và chính doanh thu, hiện tượng phòng vé và sức lan tỏa là điều khiến cho các nhà phê bình ngại động tay vào. Biết đâu nếu đăng bài phê bình trong lúc phim đang chiếu rạp gây ảnh hưởng đến số lượng người xem thì nhà phê bình lại bị mang tiếng. Một số khác không phê bình thì viết theo kiểu lấy lòng nhau, mà một nền phê bình lấy lòng nhau thì sẽ không đi đến đâu cả.
Từ thực tế, có thể nhìn nhận rằng hiện nay nền văn học, nghệ thuật (VHNT) của chúng ta đang phát triển khá tốt, nhưng bên cạnh đó cũng có những tác phẩm không đúng với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm nên rất cần những tiếng nói của các nhà lý luận phê bình để định hướng công chúng. Thế nhưng gần như không thấy các nhà phê bình lên tiếng, theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Trước hết, đừng nên quy trách nhiệm người “thổi còi” cho các nhà phê bình. Họ chỉ là những người đánh giá, gợi mở và định hướng dòng chảy VHNT. Những sản phẩm VHNT không lành mạnh gây ảnh hưởng đến cộng đồng thì việc “thổi còi” thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu như vi phạm pháp luật thì pháp luật phải ra tay chứ những nhà lý luận phê bình không làm việc đó, đừng trao cho họ nhiệm vụ đấy, bởi nhiệm vụ đó vừa nặng nề, vừa không đúng cách, không đúng vai của họ.
Với các nhà phê bình VHNT, họ có vai trò đưa ra những ý kiến dựa trên góc nhìn khoa học được nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định để chỉ ra những mặt tốt - xấu của tác phẩm VHNT, từ đó giúp người sáng tác và công chúng tiếp cận được sâu hơn giá trị của tác phẩm đó để thấy nó hay, nó dở ở đâu, có nên tiếp tục sáng tác, tiếp tục ủng hộ hay không.
Mặt khác, hiện nay đội ngũ lý luận phê bình của chúng ta đang vừa thiếu, vừa yếu trên nhiều lĩnh vực VHNT, riêng văn học thì khá hơn. Lực lượng mỏng và gặp khá nhiều tác động trong bối cảnh công nghệ số hiện nay là điều khiến nhiều nhà phê bình e ngại, né tránh phê phán.
Theo ông hiện nay đội ngũ lý luận phê bình VHNT đang gặp phải những trở ngại gì?
- Cách đây khoảng 30 năm, chúng ta có một đội ngũ các nhà làm lý luận phê bình VHNT khá sung sức và khá đông đảo. Đó là một thế hệ làm lý luận phê bình từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ. Lúc đó VHNT Việt Nam có những bước phát triển, tạo nên những đỉnh cao. Cho nên là cùng với sáng tác thì công tác lý luận phê bình cũng có những khởi sắc. Thời điểm đó công chúng rất yêu mến VHNT. Người ta gắn bó với sách, gắn bó với phim ảnh, với các cái loại hình nghệ thuật khác.
Phê bình báo chí, phê bình hàn lâm là hai mảng có sự tương tác, tương hỗ lẫn nhau. Phê bình hàn lâm giúp cho báo chí một cái nhìn đậm hơn, sâu hơn, khoa học hơn, minh triết hơn nhưng phê bình báo chí lại giúp cho sự nhận diện, sự phản ánh, hiện tượng đời sống VHNT ấy nhanh hơn, nhất là ở những tờ báo có một lượng bạn đọc đông đảo trên mạng, số lượng công chúng rất lớn. Thế nên phê bình báo chí là thao tác rất nhanh, có thể là một bài chưa có chiều sâu, nhưng mà rất cần có tiếng nói của anh trước một tác phẩm trước một hiện thực đời sống, nhất là những hiện thực nóng bỏng, chẳng hạn như trên điện ảnh mà cần phải lên tiếng của giới lý luận phê bình thì thường phê bình báo chí sẽ đi trước và thường thì ai đi trước bao giờ nó cũng có ưu thế dành được "trận địa", có được ưu thế. Cho nên là phê bình hàn lâm và phê bình báo chí vừa tương tác, vừa hỗ trợ bổ sung cho nhau.
Sau đó, khi Việt Nam kết nối mạng internet từ năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các phương tiện nghe nhìn trên nền tảng internet xuất hiện trong đời sống đã làm cho sáng tác VHNT cũng như công tác lý luận phê bình có phần bị chững lại. Đó là nguyên nhân khách quan mà chúng ta cần phải hòa nhập để giải quyết.
Các nguyên nhân khác có thể kể đến như: Trong các cơ quan làm công tác lãnh đạo, quản lý VHNT nói chung và lý luận phê bình VHNT nói riêng cũng chưa thực sự quan tâm thường xuyên và sâu sắc đến lĩnh vực này, do đó thiếu đi chiến lược phát triển, một tầm nhìn lâu dài, thiếu đi sự quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ lý luận phê bình VHNT. Hay một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, những cây bút lý luận phê bình VHNT. Một vài lý do khác đến từ “cơm, áo, gạo, tiền”, không nhà lý luận phê bình nào sống bằng nghề viết lý luận phê bình.
Đó là chưa kể thời điểm này môi trường mạng xã hội, internet đang rất phát triển thì khi nhà phê bình đăng bài viết lên, trường hợp tốt có thể nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ nhưng nếu như nhà phê bình thể hiện quan điểm rõ ràng, thẳng thắn và nhất là thực hiện đúng các thủ pháp phê bình thì chưa chắc người ta đã thích, thậm chí có thể ghét hoặc “ném đá”. Khi nhà phê bình bị “ném đá”, bị “đánh hội đồng” như thế thì ai là người bảo vệ họ? Cho nên đó là một lý do khá lớn khiến người ta rất ngại phê bình.
Theo ông hiện nay chúng ta đã có những tác phẩm VHNT xứng tầm với thời đại hay chưa?
- Thật ra thì để có tác phẩm gọi là ngang tầm của thời kỳ đổi mới hay là ngang tầm của dân tộc, của thời đại thì chúng ta không nên lấy cái ý chí để mà ép nó phải có.
Khi mà ong tha được phấn nhiều sẽ chuyển hóa thành mật ngọt. Cũng không thể dùng mong muốn theo kiểu chủ quan. Công bằng nhìn nhận thì thực tế VHNT hiện nay chúng ta cũng có nhiều cái tác phẩm tốt chứ không phải là èo uột. Mặc dù bây giờ số lượng nhiều hơn, kéo theo đó cũng có những tác phẩm kém về mặt nội dung. Nhưng trong cái tổng chung đó thì những tác phẩm tốt cũng nhiều.
Tôi vừa làm lý luận, vừa làm sáng tác văn học và làm cả bên nghệ thuật, sân khấu nữa thì tôi thấy cũng không nên bi quan mà phải khích lệ người sáng tác. Còn lại ở thời điểm này, sống trong thời kỳ này thì không nên đòi hỏi VHNT phải phát triển giống y hệt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Mỗi thời kỳ sẽ có một bối cảnh lịch sử xã hội riêng.
Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ thì nhà văn không bị ảnh hưởng bởi những cái ám ảnh về tham nhũng, tiêu cực, rồi những tệ nạn của xã hội, nghĩa là lúc đó cảm xúc của người ta trọn vẹn, trong trẻo hơn, nên họ sẽ dồn hết tâm trí, sức lực cho tác phẩm của mình và tập trung vào mục đích cao cả nhất là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bây giờ chúng ta vẫn bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng đất nước nhưng mà xã hội đã có nhiều cái chi phối, nhiều thông tin, nhiều tác động, nhiều xung đột. Thế thì rõ ràng là ta đang sống ở một môi trường khác trước cho nên khi nhìn một vấn đề cần đặt trong bối cảnh lịch sử xã hội, lịch sử cụ thể, chứ không nên dùng cái ước muốn chủ quan và càng không nên có một con mắt quá khắt khe để yêu cầu VHNT sản sinh ra một tác phẩm xứng tầm ngay tại thời điểm này.
Vậy ông đánh giá như thế nào về góc nhìn của các nhà phê bình VHNT hiện nay so với các nhà phê bình VHNT trước đây?
- Góc nhìn của mỗi thế hệ có sự khác nhau. Cũng có thể là bây giờ người ta nhìn mọi cái có thể cởi mở hơn, thậm chí là đa chiều thì cái sự đa diện trước đây là không có. Trước đây “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” là lý tưởng cao đẹp nhất. Nhân vật trung tâm của thời đại ấy là người lính bộ đội Cụ Hồ, tất nhiên là còn có cả người nông dân trên cánh đồng hay người công nhân trong xưởng máy. Nhưng bây giờ thì nhân vật trung tâm là lực lượng doanh nhân hay lực lượng thương nhân cũng đi vào văn học. Bởi vì chính họ là người làm ra của cải cho đất nước. Tại sao họ lại không được gọi là nhân vật trung tâm?
Thế thì rõ ràng là mỗi thời kỳ cũng có những cái biến đổi của xã hội, ta cũng không nên lấy cái hôm qua để mà quy chiếu vào hôm nay và bắt ngày hôm nay phải giống hôm qua. Và cách nhìn thì phải rất khách quan, rất khoa học thì mới thấy bên cạnh những cái nỗ lực, những thành tựu quan trọng vẫn có những cái hạn chế, bất cập thì chúng ta cũng nên bình tĩnh để khắc phục chứ không nên sốt ruột.
Còn những hiện tượng là tiêu cực hay là những khuynh hướng đi sai đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì chúng ta phải có sự phê phán và lúc đó nhất là mảng phê bình vào cuộc phải rõ ràng chứ còn không thể “mũ ni che tai”, không được ngại chuyện “ném đá” trên mạng để rồi “buông súng” của mình. Nhưng mà bao giờ tính chiến đấu cũng phải đi liền với tính nhân văn.
Xét về việc đưa những bài phê bình VHNT tiếp cận với công chúng thì có lẽ phê bình báo chí sẽ nhanh nhạy và phổ biến hơn phê bình hàn lâm. Vậy theo ông phê bình báo chí và phê bình hàn lâm có mối quan hệ như thế nào?
- Theo tôi, phê bình báo chí, phê bình hàn lâm là hai mảng có sự tương tác, tương hỗ lẫn nhau. Phê bình hàn lâm giúp cho báo chí một cái nhìn đậm hơn, sâu hơn, khoa học hơn, minh triết hơn nhưng phê bình báo chí lại giúp cho sự nhận diện, sự phản ánh, hiện tượng đời sống văn học nghệ thuật ấy nhanh hơn, nhất là ở những tờ báo có một lượng bạn đọc đông đảo trên mạng, số lượng công chúng rất lớn. Thế nên phê bình báo chí là thao tác rất nhanh, có thể là một bài chưa có chiều sâu, nhưng mà rất cần có tiếng nói của anh trước một tác phẩm, trước một hiện thực đời sống, nhất là những hiện thực nóng bỏng, chẳng hạn như điện ảnh mà cần phải lên tiếng của giới lý luận phê bình thì thường phê bình báo chí sẽ đi trước và thường thì ai đi trước bao giờ nó cũng có ưu thế dành được "trận địa", có được ưu thế. Cho nên là phê bình hàn lâm và phê bình báo chí vừa tương tác, vừa hỗ trợ bổ sung cho nhau.
Hàn lâm thì bổ sung phương pháp, góc nhìn và chiều sâu của vấn đề nhưng báo chí thì lại là bổ sung ở tính nóng hổi, tính nhanh nhạy và tính rộng khắp.
Bây giờ một tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật có số lượng nhiều là 1.000 bản như tạp chí của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Nhưng một số tạp chí khác thì chỉ có 200 - 300 bản, nếu nhiều chỉ khoảng 500 bản mà thôi. Vì thế trong khoảng thời gian cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 chúng tôi sẽ cho ra mắt tạp chí điện tử để nối dài cánh tay của tạp chí này và bất cứ ai cũng có thể truy cập. Từ đó sẽ tăng được số đông bạn đọc. Đương nhiên theo đó sẽ tăng thêm tính phức tạp. Thế nhưng bây giờ không thể đóng cửa để phòng ngự được, mà mình phải mở rộng, phải minh bạch với nhau.
Dù làm công tác phê bình báo chí hay phê bình hàn lâm thì chúng ta vẫn cần có đội ngũ để duy trì và phát triển. Hiện tại chúng ta đang thiếu người làm công tác lý luận phê bình, vậy về lâu dài cần giải pháp gì để nối tiếp thế hệ trẻ cho đội ngũ này?
- Tôi nghĩ rằng khi đã chọn lý luận phê bình thì người làm nghề phải lựa chọn dấn thân. Dấn thân vào một sự nghiệp không hề bằng phẳng, một sự nghiệp khá khổ ải, vất vả và dễ đụng chạm. Vì thế cho nên hiện nay các cơ sở đào tạo tuyển được rất ít hoặc không tuyển được sinh viên, mà nếu không có đào tạo thì làm sao có các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp. Bởi vậy công tác đào tạo, tuyển sinh, định hướng cho học sinh, sinh viên là cực kỳ quan trọng, là yếu tố nòng cốt để xây dựng, bù đắp những khoảng trống cho đội ngũ lý luận phê bình VHNT tương lai.
Khi tuyển sinh xong phải chú trọng đến công tác giảng dạy. Hiện nay nếu như các cơ sở đào tạo tính trong cả nước thì cũng chỉ có phải vài ba chục cơ sở có đào tạo ngành lý luận phê bình, nhưng không phải nơi nào cũng là đào tạo tốt. Cái này còn liên quan đến chất lượng của giáo trình và chất lượng giảng viên nữa nên cần đặc biệt quan tâm.
Thế còn cách bài bản mang tính chiến lược lâu dài và bền vững, thì chắc chắn phải xây dựng đề án về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình VHNT của cả nước và trong đó có cả Trung ương và địa phương. Từ tầm nhìn đó xây dựng đội ngũ giảng viên ở các trường đại học, các viện nghiên cứu. Bước nữa là nâng cao chất lượng lượng giáo trình, giáo án, có các học phần nó rõ ràng. Mỗi thứ một chút, chúng ta chú ý hơn thì sẽ “góp gió thành bão” thôi.
Như vậy theo ông việc đào tạo sẽ là mấu chốt trong việc xây dựng đội ngũ lý luận phê bình VHNT. Hiện nay về phía Hội đồng đã có những việc làm như thế nào để đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình VHNT?
- Nhiều năm nay Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cũng đã có những lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày. Một năm Hội đồng có hai đợt là tập huấn cho các cây bút lý luận phê bình VHNT trẻ. Một lớp mới cho phía Bắc, một lớp ở phía Nam. Thường một lớp như thế chúng tôi cũng chiêu sinh được khoảng 70 - 100 người đều là những người đam mê dấn thân vào công tác lý luận phê bình. Chúng tôi lựa chọn học viên tham gia các lớp rất kỹ. Nhân sự giảng viên, các bài giảng cho lớp cũng được Thường trực Hội đồng xem kỹ về chất lượng.
Ngoài ra chúng tôi có một lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ làm công tác tuyên giáo như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ của các bộ, ngành địa phương trên cả nước. Mỗi lớp như thế ở phía Bắc và phía Nam là khoảng 250 người.
Hướng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng này là những công việc mà chúng tôi đang cố gắng bù đắp lỗ hổng của đội ngũ lý luận phê bình. Cũng có thể nói đúng ra thì đó là giải pháp “giật gấu vá vai” nhưng còn hơn là không làm.
Dẫu biết chúng ta đang thiếu về số lượng nhưng chất lượng mới là điều quan trọng. Vậy theo ông, nhà lý luận phê bình VHNT cần hội tụ những yếu tố gì?
- Theo tôi, khi đã chọn con đường viết phê bình thì cần học hành bài bản. Chúng ta gọi là “nhà phê bình”, còn đang trẻ thì gọi là cây bút nhưng mà tương đối một chút thì gọi là “nhà”, tức là có vai trò và tiếng nói lớn. Như vậy đây là một nghề khó khăn, tốn rất nhiều trí tuệ, công sức vì để viết một bài viết mang tính chất lý luận phê bình VHNT thì chắc chắn là nó khó hơn các bài viết ở các lĩnh vực khác.
Nhưng điều quan trọng nhất tôi xin nhắc lại là đã đi vào lý luận phê bình VHNT là một hành động dấn thân, một sự lựa chọn có chủ đích chứ không phải là một tay ngang. Tất nhiên là tay ngang cũng cần, nhưng mà đã đi vào cái địa hạt này mà muốn trụ vững lâu dài để phát triển thì phải chuyên nghiệp và phải mang tính hàn lâm, tức là cần có một quá trình học tập, rèn luyện bài bản để vững kỹ năng, sau đó cần một tinh thần dũng cảm để cất lên tiếng nói phê bình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khi đã chọn con đường viết phê bình thì cần học hành bài bản. Chúng ta gọi là “nhà phê bình”, còn đang trẻ thì gọi là cây bút nhưng mà tương đối một chút thì gọi là “nhà”, tức là có vai trò và tiếng nói lớn. Như vậy đây là một nghề khó khăn, tốn rất nhiều trí tuệ, công sức vì để viết một bài viết mang tính chất lý luận phê bình VHNT thì chắc chắn là nó khó hơn các bài viết ở các lĩnh vực khác.
Nhưng điều quan trọng nhất tôi xin nhắc lại là đã đi vào lý luận phê bình VHNT là một hành động dấn thân, một sự lựa chọn có chủ đích chứ không phải là một tay ngang. Tất nhiên là tay ngang cũng cần, nhưng mà đã đi vào cái địa hạt này mà muốn trụ vững lâu dài để phát triển thì phải chuyên nghiệp và phải mang tính hàn lâm, tức là cần có một quá trình học tập, rèn luyện bài bản để vững kỹ năng, sau đó cần một tinh thần dũng cảm để cất lên tiếng nói phê bình