PGS. TS Vũ Trọng Rỹ: Nhu cầu chính đáng...

T. Trang 24/09/2016 12:15

Theo PGS. TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), hiện nay xã hội ngày càng phát triển nên nhu cầu được đi học thêm là có. Và khi đã có những nhu cầu chính đáng cho sự phát triển của bản thân, tập thể, xã hội thì cũng phải có người đáp ứng nhu cầu. Bởi vì không một xã hội nào, người ta muốn có kiến thức tốt hơn, kĩ năng tốt hơn mà lại đi cấm? Như thế sẽ không phát triển được.

PGS. TS Vũ Trọng Rỹ.

PV: Thưa ông, dư luận đang xôn xao về chủ trương cấm dạy thêm, học thêm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS. TS Vũ Trọng Rỹ: Đã có những ý kiến ở trên mạng nói rằng, việc dạy thêm học thêm do không quản lý được nên mới cấm. Về vấn đề này, quan điểm của tôi cần phải tìm hiểu rõ: Tại sao người ta muốn đi học thêm? Tôi chưa nói đến phía giáo viên muốn dạy thêm, mà người học nhất định phải có nhu cầu học thêm thì mới “đẻ” ra học thêm.

Bây giờ không ai có nhu cầu cả thì làm gì có. Mặc dù cũng có thể có trường hợp “cưỡng bức” để học thêm, nhưng rất nhiều trường hợp phụ huynh có nhu cầu cho con học thêm, học sinh cũng muốn đi học thêm. Nhu cầu muốn học thêm ấy có nhiều lí do, đặc biệt với trẻ nhỏ, các phụ huynh muốn con mình được quản lý trong thời gian không đến trường.

Thứ hai, đúng là con họ sức học còn yếu kém thì mới nảy sinh ra nhu cầu. Và thứ ba, trong thời buổi cạnh tranh, người ta chỉ nghĩ tới việc con mình phải vào bằng được đại học. Mà muốn vào được đại học, người ta phải cho con đi học thêm, để làm sao phải vượt hẳn các trẻ khác, làm sao để đến lớp 12 có thể thi đậu đại học.

Những lí do đó có chính đáng hay không? Theo tôi là rất chính đáng. Có nhu cầu như thế thì phải có người đáp ứng nhu cầu.

Tôi biết rằng trong khi đáp ứng nhu cầu, cũng có những giáo viên hoặc có những trường mang tính chất “cưỡng bức” học sinh. Vấn đề là các cấp quản lý phải quán triệt như thế nào để vẫn tồn tại học thêm một cách chính đáng, không có chuyện cưỡng bức, không có chuyện “làm tiền”. Điều này thì các cấp quản lý phải nghĩ cách, chứ không quản lý được mà cho lệnh cấm, tôi cho là không hay.

Không chỉ ở nước ta mới có chuyện dạy thêm, học thêm mà Nhật bản, Hàn Quốc, hay nhiều nước khác cũng học thêm rất nhiều. Bởi vì họ không cấm. Tại sao mình cấm? Tại có những hiện tượng tiêu cực mà không quản lý, hạn chế được tiêu cực nên cấm một cách vô lý, cấm người có nhu cầu học. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không một xã hội nào, người ta muốn có kiến thức tốt hơn, kĩ năng tốt hơn mà lại đi cấm? Như thế sẽ không phát triển được.

Vậy theo cá nhân ông, làm thế nào để giảm được hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm?

- Điều này phải hỏi những nhà quản lý. Nhưng theo tôi, trước hết phụ thuộc vào đạo đức nhà giáo. Mỗi một giáo viên hiện nay đã có đạo đức ấy chưa? Ví dụ trẻ cần học thêm thì tôi dạy nhưng tôi không bao giờ có hành vi cưỡng bức học sinh đi học thêm. Hoặc có kiểu, dạy ở lớp thì dạy ít thôi để còn có “vốn” dạy ở trong lớp học thêm… Đấy là những suy nghĩ, biểu hiện của người giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp. Vấn đề gốc rễ vẫn là đạo đức nghề nghiệp. Phải làm thế nào để giáo dục đạo đức nghề nghiệp ấy cho đội ngũ giáo viên? Về mặt hành chính, công tác quản lý cần có biện pháp. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó.

Hiện nay có nhiều giáo viên có ý kiến cho rằng, mức lương giáo viên còn thấp muốn kiếm thêm thu nhập bằng dạy thêm. Theo ông lí do này đã chính đáng chưa?

- Tôi cũng nghe nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này: Tại sao cán bộ nhân viên làm việc chỗ này, nhưng lại đi làm thêm chỗ khác để tăng thu nhập thì lại được, giáo viên họ làm đúng nghề của họ thì lại bảo là xấu?

Vấn đề là dạy thêm nhưng không được cưỡng bức trẻ, không được cưỡng bức dưới mọi hình thức để buộc trẻ đi học. Còn nếu trẻ có nhu cầu, tôi có thể đáp ứng nhu cầu để có thu nhập thêm. Đó là một sự chính đáng, hành vi chính đáng. Quan điểm của tôi như thế.

Bệnh thành tích trong giáo dục của chúng ta hiện nay, có phải cũng là nguyên nhân đẩy việc dạy thêm học thêm trở thành tiêu cực không, thưa ông?

- Bệnh thành tích không phải chỉ có trong giáo dục, mà là bệnh thành tích của toàn xã hội, trong đó có giáo dục. Thì đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm và học thêm. Ví dụ, tôi muốn dạy thêm để cho lớp tôi nổi bật, kết quả cao hơn. Thì đấy không phải xuất phát từ đứa trẻ mà vì thành tích của lớp ấy, của cô giáo ấy, của trường ấy. Đấy là bệnh thành tích.

Theo tôi, bây giờ cần phải có một nghiên cứu khảo sát thực sự về tình trạng dạy thêm, học thêm như thế nào. Lâu nay chúng ta chưa có một công trình nghiên cứu nào đảm bảo tính khách quan của nó. Thường chỉ là phát phiếu hỏi giáo viên, không tìm ra được nguyên nhân thực sự là tại sao. Muốn giải quyết hiệu quả, phương pháp nghiên cứu phải khác đi thì mới xác định được nguyên nhân của tình trạng dạy thêm học thêm. Những gì là nguyên nhân chính đáng thì phải cho phép, ủng hộ. Còn cái gì xuất phát từ tiêu cực thì phải chấn chỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 5 giải pháp trước mắt để quản lý việc dạy thêm, học thêm:

Thứ nhất, không cho phép giáo viên dạy học sinh mình đang dạy chính khóa trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong và ngoài nhà trường. Sở sẽ xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc nếu giáo viên vi phạm.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong việc quản lý giáo viên dạy thêm. Hiệu trưởng sẽ chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia học thêm của giáo viên trong đơn vị mình.

Thứ ba, ngừng cấp phép mới cho việc dạy thêm trong nhà trường.

Thứ tư, Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để tiến hành thanh tra, kiểm tra để chấm dứt dạy thêm sai quy định.

Thứ năm, Sở sẽ tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, phương pháp giảng dạy và chấm dứt việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng học thuộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PGS. TS Vũ Trọng Rỹ: Nhu cầu chính đáng...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO