Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), và khó dự báo được thời gian phục hồi, ngành Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH) xác định cùng với giải pháp hỗ trợ trước mắt cần hỗ trợ dài hạn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trăm mối tơ vò
Nhật Bản, Hàn Quốc được xem là hai thị trường trọng điểm XKLĐ những năm qua, thế nhưng từ năm 2020 trở lại đây, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã khiến 2 thị trường này gần như “đóng băng” khiến hàng trăm nghìn lao động không thể xuất cảnh, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao.
Với mong muốn đi XKLĐ để trả món nợ vay xây nhà, đầu năm 2020 chị Nguyễn Thị Thủy ở Phú Thọ thi tuyển sang Nhật Bản làm trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Sau khi trúng tuyển, chị được học tiếng và các kỹ năng giao tiếp, ứng xử… Thế nhưng học xong các khóa học thì liên tiếp đợt dịch này đến đợt dịch kia bùng phát, đến nay sau hơn 1 năm học chị vẫn chưa thể xuất cảnh. Nhìn số tiền nợ vay xây nhà chưa trả cùng khoản tiền vay mượn đóng cọc để đi XKLĐ chị Thủy như ngồi trên đống lửa.
Không chỉ người lao động rơi vào tình cảnh khốn khó mà doanh nghiệp cũng suy kiệt vì dịch. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải, đại diện công ty TMC cho biết, chưa khi nào công ty rơi vào tình huống như hiện nay. Trước đây, hàng năm, công ty đưa hàng chục nghìn lao động đi làm việc tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhưng từ năm 2020 đến nay số lao động đưa đi sụt giảm chưa từng có, đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay thị trường Nhật Bản hầu như đã đóng băng, không đưa được lao động nào đi. Trong khi đó, số lao động đã trúng tuyển và đã qua đào tạo lên tới hàng nghìn người. Điều này đồng nghĩa với việc 6 tháng nay công ty đang phải gánh chi phí đào tạo cũng như quản lý.
Đó cũng là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp XKLĐ khác trên toàn quốc, dù khó khăn đủ bề song vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi nước đối tác mở cửa biên giới mới có thể đưa lao động Việt Nam sang làm việc được. Ngược lại, ở trong nước, để chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực phục vụ thị trường các nước khi mở cửa, nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã chuẩn bị phương án tạo nguồn. Tuy nhiên, công tác này trong mùa dịch cũng không dễ dàng.
Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ
7 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 41.383 người, đạt 45,98% kế hoạch năm 2021. Cá biệt, tháng 7 chỉ đưa được 781 lao động đi xuất khẩu, bằng 40,44% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, ngành LĐTB&XH đặt mục tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì việc hoàn thành mục tiêu XKLĐ rất khó khăn. Vì việc này còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các nước tiếp nhận lao động.
Hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động đi XKLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp căn cứ tình hình cụ thể tại đơn vị, thực hiện các thủ tục để được hỗ trợ phù hợp trong trường hợp có nhu cầu.
Về lâu dài, tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động trong trường hợp phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc. Ngoài ra đề xuất hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước hạn vì người sử dụng lao động ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng…Tùy vào trường hợp cụ thể sẽ có mức hỗ trợ phù hợp.
Cùng với chính sách hỗ trợ, không để bị động khi dịch được kiểm soát, thị trường mở cửa, ngành LĐTB&XH cùng các đơn vị XKLĐ đã tiến hành khảo sát, nắm danh sách, tập trung đào tạo cho người lao động về trình độ tay nghề, ngoại ngữ. Khi đủ điều kiện có thể cung ứng ngay cho những thị trường lao động có nhu cầu.