Theo lộ trình, từ 1/1/2018, trên thị trường sẽ không còn xăng khoáng Ron 92, thay vào đó hoàn toàn là xăng sinh học E5 và xăng Ron 95.
Mặc dù đồng tình với lộ trình này của nhà quản lý, song theo các chuyên gia kinh tế, với giá chênh lệch hiện nay chỉ khoảng hơn 200 đồng/lít, chắc chắn người tiêu dùng vẫn chưa hứng thú với xăng sinh học E5.
Ảnh minh họa.
Chính phủ đã có biện pháp triển khai quyết liệt để đưa xăng E5 vào thực tiễn bằng cách ngừng kinh doanh xăng khoáng Ron 92 từ ngày 31/12/2017. Điều này cũng đồng nghĩa, chỉ còn 5 tháng nữa, xăng Ron 92 sẽ bị “xóa sổ” trên thị trường.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, việc khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học là xu thế chung của thế giới, nhằm giúp giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong nguồn nhiên liệu truyền thống như CO, CO2, SO2... Nhờ đó mới hạn chế được hiệu ứng nhà kính, tạo môi trường sống an toàn, trong sạch hơn.
Chia sẻ về những lợi ích khi đưa xăng sinh học E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng Ron 92, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng, về lợi ích kinh tế, nếu đưa xăng E5 vào sản xuất sẽ tạo cơ hội cho 4 nhà máy nhiên liệu sinh học của Việt Nam quay lại sản xuất.
“Hơn nữa, sản xuất ra E5 dùng nhiên liệu chủ yếu là sắn. Hiện tại, Việt Nam có 500.000 ha đất cằn cỗi đang trồng sắn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân ở đất hoang hóa có công ăn việc làm”- Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.
Những lợi ích khi sử dụng xăng sinh học E5 thay thế hoàn toàn xăng Ron 92 trên thị trường đã rõ, tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai đưa xăng E5 vào thực tiễn đã được thực hiện từ 3 năm nay, thế nhưng các DN vẫn không mặn mà, người tiêu dùng cũng thờ ơ.
Nguyên nhân của thực trạng này được chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chỉ rõ, là do đầu tư cơ sở hạ tầng cho một sản phẩm mới như xăng E5 là rất tốn kém, vì xăng E5 đòi hỏi bồn chứa phải súc rửa kỹ hơn, công nghệ cao hơn, tuyệt đối không thể dính một giọt nước nên chi phí kinh doanh cao hơn.Trong khi đó, hiệu quả lại thấp hơn nên doanh nghiệp không mặn mà.
Một số DN kinh doanh xăng dầu cũng thừa nhận, đối với các đầu mối kinh doanh xăng dầu, họ luôn đặt vấn đề giá lên hàng đầu, bởi DN kinh doanh luôn luôn phải nghĩ đến yếu tố hiệu quả, lợi nhuận.
Đối với người tiêu dùng, mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và các loại xăng khác vẫn chưa tạo ra sự hấp dẫn… Từ đó dẫn đến kỳ vọng của Chính phủ về việc đưa xăng E5 thay thế xăng truyền thống đã bị thất bại trong suốt thời gian qua.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng khẳng định: “Trước đến nay, dù cố gắng lắm, nhưng giá xăng E5 cũng chỉ thấp hơn xăng khoáng 260 đồng/lít, đây là mức quá thiếu hấp dẫn để người tiêu dùng lựa chọn. Bởi vậy, mặc dù cơ chế đã “dọn” sẵn, các nhà máy xăng sinh học trong nước vẫn không thể hoạt động được”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để xăng E5 thực sự thay thế xăng A92, điều cơ bản là phải làm sao cho DN nhìn thấy lợi nhuận, đơn cử như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Một tính toán cho thấy, hiện nay giá cơ sở giữa hai loại nhiên liệu xăng khoáng ron 92 và E5 chỉ chênh lệch khoảng 200 đồng/lít. Với sự chênh lệch đó, nhiều người tiêu dùng thay vì sử dụng xăng E5 vẫn thích sử dụng Ron 92. Đối với xăng Ron 95, mức chênh lệch dù có cao hơn song cũng chỉ chênh khoảng 700 - 800 đồng/lít.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Vượng, mức chênh để có thể thu hút người tiêu dùng sử dụng xăng E5 phải lên đến 1.500 – 2.000 đồng/lít mới đủ sức hấp dẫn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, liên Bộ Công thương – Tài chính sẽ bàn bạc, cân nhắc và xem xét các vấn đề liên quan như thuế, phí môi trường… để tạo ra ra một mức giá đủ hấp dẫn người tiêu dùng đối với loại xăng sinh học này.