Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, vấn đề thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán là câu chuyện diễn ra hàng năm, vì thế cần xây dựng chiến lược về lao động để từ đó có các giải pháp nhằm chuyển dịch lao động gắn với cung – cầu.
PV: Bà đánh giá thế nào về hiệu quả chính sách đối với thị trường lao động trong thời gian qua?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Chúng ta thấy rõ bức tranh về tình hình lao động năm 2021 khá u ám, do dịch Covid-19 hoành hành dữ dội và đặc biệt trong đợt dịch thứ 4, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, cú sốc nghiêm trọng về sức khỏe đã ảnh hưởng đến sản xuất và việc làm.
Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách được cho là khá toàn diện, có thể kể đến như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hỗ trợ NLĐ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giúp DN duy trì sản xuất, trả lương cho NLĐ. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho DN, NLĐ, Chính phủ, các địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ cho lao động tự do…
Nhờ thực hiện đồng loạt các chính sách này đã góp phần rất đáng kể vào việc làm cho thị trường tránh những cú sốc lớn. Có thể nói chưa một cú sốc nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động như đại dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng ta thấy, thị trường lao động cũng đã có những dấu hiệu phục hồi căn bản ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Sau Tết Nguyên đán 2022, thị trường lao động đã có những dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên đến hẹn lại lên, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn tái diễn đặc biệt tại những khu kinh tế trọng điểm, theo bà đâu là nguyên nhân?
- Thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán vốn là câu chuyện vẫn diễn ra lâu nay. Năm nay dưới tác động của dịch Covid-19, tình trạng này xảy ra nghiêm trọng hơn. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cần phải có chiến lược về lao động, không thể để tái diễn câu chuyện này hàng năm. Khi chúng ta coi đó là vấn đề bình thường thì sẽ có những chiến lược tối ưu hơn.
Thực tế chúng ta đều thấy, hậu Covid-19 có rất nhiều điều kiện mới để có thể kiểm soát tốt hơn dòng di chuyển lao động. Nói kiểm soát tốt hơn là nói cả cung và cầu. Tức là nếu bên cung - NLĐ - tìm được nơi có nguồn thu nhập và việc làm tốt hơn, đặc biệt là chính sách bảo đảm việc làm tốt hơn (khi dịch xảy ra chúng ta cũng đã nhận ra những “lỗ hổng” rất lớn về an sinh xã hội) thì NLĐ dễ dàng rời khỏi nơi mình đang làm. Bởi vậy, bên cầu phải có những chính sách phúc lợi rất tốt mới có thể giữ được NLĐ tiếp tục quay lại làm việc.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, không nhất thiết phải dồn lao động về khu đô thị, thành phố lớn. Đã đến lúc chúng ta phải chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với giải quyết bài toán cung - cầu lao động mang tính chiến lược hơn.
Vậy đâu là giải pháp mang tính đột phá để ổn định thị trường lao động trong thời gian tới, thưa bà?
- Hiện nay Chính phủ cũng đã có chương trình phục hồi kinh tế gắn với lao động, trong đó phục hồi lao động phải kết hợp giữa giải pháp ngắn hạn là thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe (kiểm soát tốt dịch - PV), bởi thực tế khủng hoảng từ sức khỏe dẫn đến khủng hoảng nền kinh tế và thị trường lao động.
Với giải pháp dài hơi, phải làm thế nào để thị trường lao động phải đáp ứng tốt hơn, chuyển động, chuyển dịch tốt hơn với nhu cầu của nền kinh tế.
Trong quản lý lao động hiện nay dịch bệnh đã cho thấy mối tương tác giữa các cơ quan quản lý rõ ràng còn nhiều vấn đề chưa nhịp nhàng. Các chính sách hầu như chỉ tập trung ở Trung ương trong khi vai trò địa phương chưa bộc lộ rõ nét. Mối quan hệ chính sách giữa DN và NLĐ còn mờ nhạt, phản ứng trước tình trạng lao động dời đi vì ảnh hưởng dịch, hay về quê ăn Tết của các địa phương rất cục bộ. Chính sự cục bộ này khiến cho thị trường lao động bị xáo trộn và người bị ảnh hưởng không ai khác chính là NLĐ và DN.
Các chính sách của chúng ta hiện nay ngày càng tốt hơn, mở rộng hơn, trong đó các chương trình phục hồi thị trường lao động của Chính phủ và Bộ LĐTB&XH đang soạn thảo với tầm nhìn khá logic từ Trung ương đến địa phương, từ ngắn hạn đến dài hạn (bao gồm cả NLĐ và DN). Do đó, theo tôi nếu chúng ta triển khai tốt chính sách thì mục tiêu phục hồi thị trường lao động không hề khó.