Đó là vấn đề được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị làm rõ khi trao đổi với báo chí ngày 8/9 về việc bà Châu Thị Thu Nga (ĐBQH khóa XIII bị bãi miễn vì vi phạm pháp luật) khai nhận với cơ quan điều tra, đã chi khoảng 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng) cho một doanh nghiệp về vàng bạc tại TP Hà Nội để chạy vào danh sách được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Tổng Thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cá nhân ông chưa nhận được thông tin này. Và theo ông Phúc, tin này chưa kiểm chứng nhưng tôi nghĩ rằng đây có thể chỉ là cách để lý giải số tiền ấy đã đi đâu.
Ông Phúc đề nghị, phải làm rõ đưa ai? bao nhiêu? đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Bỏ một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì? giải quyết vấn đề gì? 30 tỷ là số tiền rất nhiều, rải đi đâu hết chỗ đó? Trong khi nếu chạy thì chỉ có mấy chỗ. Là người ứng cử tự do thì Mặt trận Tổ quốc của Hà Nội giới thiệu. Sau 3 vòng hiệp thương, rồi đến cơ quan thường vụ Quốc hội. Vậy 30 tỷ đi đâu?
“Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội, nhất là với khoản tiền lớn thế. Người ta cần mác đại biểu Quốc hội để làm gì? vì pháp luật không loại trừ ai. Đây là sự nhầm tưởng, cứ tưởng ngồi vào Quốc hội thì có quyền quyết định thế nọ thế kia, nhưng thực tế là không thể thay đổi hay tác động được gì cả. Bất kỳ ai vi phạm cũng đều bị xử lý kể cả với đại biểu Quốc hội”- ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho biết, trong khoá XIV chưa thấy phản ánh về hiện tượng bỏ tiền chạy vào danh sách ứng cử, đặc biệt ở khối doanh nhân. Ông nói: “Cũng có đơn, nhưng chúng tôi xem xét và thấy không có cơ sở”.
Cuối cùng, ông Phúc đề nghị, nếu có thông tin như thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội.