“Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”- Không chỉ trong Ngày Pháp luật, mọi công dân, cá nhân mới ý thức điều ấy, mà mọi ngày, mọi giờ, nơi nơi các tổ chức, cá nhân cũng đều luôn luôn phải nhắc nhở chung, nhắc nhở mình. Người ta phải thấy tự hào khi chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đúng pháp luật.
Ảnh minh họa.
Ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều 8 của Luật quy định: “Ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Ngày 8/11/2013, Ngày Pháp luật Việt Nam đã chính thức được công bố. Từ đó, với Ngày Pháp luật Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân càng ý thức hơn về pháp luật, việc chấp hành pháp luật của mình.
Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trong Lễ công bố Ngày Pháp luật Việt Nam cách đây 2 năm: Đất nước ta đang đổi mới, quyết tâm xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo hộ. Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.v.v..
Nói chấp hành pháp luật tưởng dễ, nhưng thật không đơn giản. Ngoài ý thức pháp luật cá nhân, mỗi con người càng cần phải luôn luôn làm chủ, kiểm soát được hành vi của mình, để những hành vi của mình không sai pháp luật. Từ lời ăn tiếng nói, từ thái độ, cử chỉ hàng ngày cho đến những việc làm lớn nhỏ. Chỉ cần phát ngôn không đúng, chỉ cần lao xe qua vạch khi đèn đỏ...đều đã là vi phạm pháp luật.
Thực tế một cá nhân một ngày giữ cho mình không vi phạm pháp luật lần nào cũng đã là sự cố gắng lớn. Chưa nói đến những hành vi, việc làm có thể dẫn đến tội phạm, tham nhũng, những sai phạm, vi phạm pháp luật từ việc xuống cấp đạo đức, lòng tham của cá nhân...
Khi thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được đảm bảo, xã hội được quản lý bằng luật, thì ở mọi cơ quan, đơn vị cho dù cá nhân nào làm lãnh đạo cũng vậy. Tình trạng tranh giành, chạy đua sẽ giảm bớt. |
Để không vi phạm pháp luật, để chấp hành tốt Hiến pháp, pháp luật, trước hết mọi tổ chức cá nhân phải hiểu biết pháp luật, được tiếp cận, tiếp thu các nội dung của pháp luật.
Trong cuộc sống mưu sinh bận rộn hàng ngày, trong khi liên tục các quy định của pháp luật ban hành mới, sửa đổi bổ sung...với cả một “rừng luật”, ngay đến người trong ngành cũng không thể nắm hết, nên để hiểu, để biết một cách tường tận, đầy đủ là vấn đề không tưởng.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân, công dân cần phải hiểu những quyền nghĩa vụ cơ bản của mình, trong lĩnh vực của mình. Khi tiến hành bất cứ công việc mới cần phải nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các quy định, những vấn đề được phép làm, không được làm những điều mà luật pháp cấm.
Lâu nay, không ít công dân còn xem nhẹ pháp luật, chỉ khi hậu quả xảy ra người ta mới lại ngỡ ngàng. Khi xảy ra việc mất nhà cửa, nhiều người mới giật mình, hốt hoảng khi bản thân do chủ quan, nể nang, hay không biết để thực hiện đúng các quy định thoả thuận phải có giấy tờ, cam kết.
Lao vào ẩu đả cùng một hội bạn, nào hay vi phạm tội cố ý gây thương tích có tổ chức. Lấy mấy mét dây điện ở cột điện, tưởng chỉ để bán cho bà đồng nát kiếm mấy đồng tiêu vặt, nào ngờ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Tức giận to tiếng mấy câu, ai ngờ gây nên tội gây rối trật tự công cộng...
Đó mới chỉ là vô tình, thiếu hiểu biết vi phạm, song không ít trường hợp biết sai, biết vi phạm nhưng vẫn cố tình làm..để rồi gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội cũng như bản thân, gia đình. Công dân, dân thường đã vậy, lại vẫn không ít cán bộ, người có chức quyền, có kiến thức, hiểu biết vẫn thường xuyên vi phạm pháp luật. Vô tình có, cố tình có. Chỉ vì lòng tham, coi thường pháp luật mà người ta liều.
Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo, Đặng Văn Hai, Nguyễn Đức Kiên.v.v...những cán bộ có năng lực, trình độ, nhưng chỉ vì lòng tham, coi thường pháp luật, không chấp hành tốt Hiến pháp, pháp luật, để bản thân mang tội, chịu hình phạt, nhất là đã làm thiệt hại rất lớn cho nước, cho dân.
Mỗi cá nhân phải tuân theo pháp luật, chấp hành tốt pháp luật, làm tròn nghĩa vụ của mình. Một Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân thì yêu cầu quan trọng với mọi thành viên trong xã hội, bất kể ai từ già đến trẻ; và mọi tổ chức, từ tổ chức chính trị cho đến các tổ chức chính trị- xã hội, nghề nghiệp...đều phải tuyệt đối tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
Bất kỳ đơn vị, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nghiêm minh. Khi thượng tôn Hiến pháp và pháp luật được đảm bảo, xã hội được quản lý bằng luật, thì ở mọi cơ quan, đơn vị cho dù cá nhân nào làm lãnh đạo cũng vậy, tình trạng tranh giành, chạy đua sẽ giảm bớt. Điều quan trọng nhất là tìm được những lãnh đạo có năng lực, hiểu biết pháp luật, chấp hành tốt pháp luật để đưa cơ quan, đơn vị phát triển, mà trước hết là phát triển lành mạnh, bền vững, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật.
“Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”- Không chỉ trong Ngày Pháp luật, mọi công dân, cá nhân mới ý thức điều ấy, mà mọi ngày, mọi giờ, nơi nơi các tổ chức, cá nhân cũng đều luôn luôn phải nhắc nhở chung, nhắc nhở mình. Công tác tuyên truyền pháp luật cần phải đẩy mạnh, thực chất. Tuyên truyền pháp luật như mưa dầm, thấm lâu, phải đi vào máu thịt.
Người dân phải coi tiếp thu pháp luật như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Và rồi việc thực sự sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, là khẳng định tính thượng tôn pháp luật, khẳng định phẩm chất công dân, con người ưu việt của một Nhà nước pháp quyền, xã hội xã hội chủ nghĩa.
Người ta phải thấy tự hào khi chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đúng pháp luật. Nếu mọi cá nhân sống, thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật, không những quyền, nghĩa vụ cá nhân được bảo đảm, mà góp phần chung cho một xã hội, đất nước yên bình, phát triển ổn định, bền vững.
Nói chấp hành pháp luật tưởng dễ, nhưng thật không đơn giản. Ngoài ý thức pháp luật cá nhân, mỗi con người càng cần phải luôn luôn làm chủ, kiểm soát được hành vi của mình, để những hành vi của mình không sai pháp luật. Từ lời ăn tiếng nói, từ thái độ, cử chỉ hàng ngày cho đến những việc làm lớn nhỏ. Chỉ cần phát ngôn không đúng, chỉ cần lao xe qua vạch khi đèn đỏ...đều đã là vi phạm pháp luật. Thực tế một cá nhân một ngày giữ cho mình không vi phạm pháp luật lần nào cũng đã là sự cố gắng lớn. |