Phải thường trực ý thức chủ quyền

Cẩm Thuý 27/08/2020 13:31

Thật đáng phẫn nộ nếu bất kỳ ai đó đã có sai sót trong việc thể hiện chủ quyền lãnh thổ. Càng khó tha thứ nếu đó là những người có tri thức, hiểu biết. Một lời xin lỗi với mọi người Việt Nam yêu nước chân chính hình như vẫn là chưa đủ.         

Trên đảo Trường Sa.

Một hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội đã dùng tài liệu in bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ban Tổ chức đã thu hồi tài liệu và xin lỗi. Sự việc cho dù được hiểu là không cố ý nhưng cũng giống như câu chuyện duyệt phim để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò phi pháp” xảy ra cách đây không lâu, một lần nữa lại cho thấy ý thức chủ quyền phải được nâng cao hơn nữa trở thành ý thức thường trực, không được một phút xao nhãng, lơ là.

Cụ thể là tại Hội thảo Phát triển điện mặt trời mái nhà, Ban tổ chức đã phát tài liệu tuyên truyền cho các đại biểu, khách mời và cơ quan báo chí. Tuy nhiên, sau khi nhận bộ tài liệu này, nhiều người phát hiện các tài liệu có in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (đơn vị tổ chức hội thảo) đã phải lập tức thu hồi tài liệu và đăng lời xin lỗi công khai trên mạng xã hội.

Chúng ta đôi khi có thể bị “cài bẫy” trước những “đường lưỡi bò” phi pháp len lỏi ở khắp nơi, khắp chốn, nó luôn được “cài cắm” tinh vi khi thì ở cái áo phông du lịch, khi ở cái mũ lưỡi trai, lúc thì ở cái đèn lồng đỏ…. Để lọt “đường lưỡi bò” phi pháp đã là việc không thể chấp nhận. Cho nên, càng không thể chấp nhận việc chúng ta tự làm thiếu hình ảnh 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi không nghĩ đến việc một ai đó hay một ban tổ chức cố tình bỏ quên. Nhưng việc dư luận lên án những hành động đó lại là điều dễ hiểu. Chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, là luôn thường trực trong mỗi trái tim người Việt Nam yêu nước. Bất cẩn tới mức sử dụng một hình ảnh bản đồ thiếu Trường Sa - Hoàng sa là hành động đáng bị lên án, phẫn nộ. Nếu ý thức chủ quyền không được thường xuyên giáo dục, trau dồi thì rất dễ dẫn đến sai sót hoặc mất cảnh giác. Bởi thế mà ý thức chủ quyền thường trực trong mỗi người dân là vô cùng quan trọng.

Giáo sư Lê Văn Lan có lần kể với chúng tôi rằng ông giật mình khi nhìn thấy dân mình mất cảnh giác đến độ treo cả đèn lồng có chữ “tam sa”. Kể chuyện này ra để thấy sự tinh vi trong việc cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp. Những sự việc ấy chỉ càng cho thấy chúng ta phải nâng cao cảnh giác hơn, phải thường trực ý thức chủ quyền ở trong tim mỗi người.

Ngay cả với mỗi người dân bình thường đã vậy, những cơ quan nghiên cứu càng không thể bất cẩn, mất cảnh giác.

Cái tên Trường Sa - Hoàng Sa đã hiện diện trên những con đường rất đẹp ở Thủ đô Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, ở Đà Nẵng và nhiều địa phương khác trong cả nước. Trường Sa - Hoàng Sa đã được đặt tên trường học, thậm chí có những khách sạn tư nhân, những quán café của người dân cũng đã lấy tên là Hoàng Sa. Tên 2 quần đảo thiêng liêng được viết lên bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam thêm một lần xuất hiện thì càng như thêm một lời khẳng định không gì lay chuyển về chủ quyền lãnh thổ.

Bằng vào việc ngày càng nhiều hơn những đường phố, trường học, công trình công cộng mang tên Trường Sa, Hoàng Sa trên khắp cả nước, chúng ta đang nối dài bản lĩnh, ý chí, tình cảm của người Việt với một vùng lãnh thổ cương vực - chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nói như ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng thì: “Mỗi việc làm dù lớn hay nhỏ, góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta đối với quần đảo Hoàng Sa đều có ý nghĩa và đáng được trân trọng”. Chủ quyền lãnh thổ được xây góp lên bằng từng viên gạch trong lòng dân như thế!

Trường Sa, Hoàng Sa - những mảnh đất thiêng liêng là đất đai tổ tiên để lại, là minh chứng hùng hồn cho lòng dũng cảm, khát vọng chinh phục biển khơi của cha ông. Đó là những vùng đất chưa bao giờ nguôi thương nhớ trong trái tim người Việt Nam. Cho đến thời điểm này, trong cả nước mới chỉ có các trường phổ thông ở Đà Nẵng dạy cho học sinh những tiết học về quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa - Hoàng Sa. Có lẽ, để nâng cao ý thức về chủ quyền lãnh thổ, cần đưa vào chương trình học trong tất cả các trường phổ thông những tiết học này để các em thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vấn đề lịch sử này, để ít nhất những cái tên Trường Sa - Hoàng Sa sẽ trở nên quen thuộc với các em.

Trường Sa - Hoàng Sa, những cái tên nhắc đến là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa ông cha, là quyết tâm ngàn đời phải giữ lấy dù có phải đổi bằng xương máu. Những thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên, luôn thấy hiện diện những cái tên về một vùng biên cương như một lời nhắc nhủ về chủ quyền lãnh thổ. Từ ngàn đời qua, đến ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp nối, chủ quyền được dựng xây và gìn giữ bằng lòng yêu nước chưa bao giờ vơi cạn.

Vì thế thật đáng phẫn nộ nếu bất kỳ ai đó đã có sai sót trong việc thể hiện chủ quyền lãnh thổ. Càng khó tha thứ nếu đó là những người có tri thức, hiểu biết. Một lời xin lỗi với mọi người Việt Nam yêu nước chân chính hình như vẫn là chưa đủ.

Ngày 26/8/2020, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tập trận quân sự tại vùng biển phía Bắc Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, huỷ bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải thường trực ý thức chủ quyền