Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đang thảo luận cho ý kiến về Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Trao đổi với ĐĐK, TS Bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng lưu ý, phải tồn tại 3 chủ thể một cách khách quan về y tế công, y tế tư và y tế phi lợi nhuận, đi kèm với sự tồn tại của một hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ y tế đảm bảo tính khoa học, khách quan, lấy lợi ích sức khỏe cộng đồng làm điểm chung.
TS Bác sĩ Trần Tuấn.
PV: Thưa ông, lâu nay chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở rất yếu kém, tập trung ở Trung ương là chính làm cho việc khám chữa bệnh quá tải. Vậy làm sao khắc phục tình trạng đó?
TS Trần Tuấn: Cách chúng ta đang làm hiện nay khó có thể giải quyết được quá tải ở các bệnh viện công tại tuyến Trung ương. Bởi chỉ mang tính đối phó, chưa được thiết kế trong một tầm nhìn đúng về hệ thống cấu trúc y tế cần phải có cho một đất nước đang ngày càng đi sâu vào hội nhập thị trường toàn cầu.
Tôi đã nhận được dự thảo lấy ý kiến cho Đề án tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới trước khi họp hội nghị Trung ương 6.
Trong dự thảo đề án đã nhắc đến 5 vấn đề: Thứ nhất, dịch vụ chăm sóc y tế là một loại hình dịch vụ đặc biệt. Thứ hai, chăm sóc y tế là sự nghiệp của toàn dân. Thứ ba, tiếp tục đi theo đường lối xã hội hóa. Thứ tư, phải nhìn đến đồng thời tính hiệu quả, công bằng để phát triển bền vững trong sự cạnh tranh toàn cầu. Thứ năm y tế phải lấy dự phòng làm trọng.
Nhưng từ chủ trương, định hướng đúng đó, hiểu thế nào để áp dụng phân tích tình trạng hiện tại và hình dung ra được một cấu trúc hệ thống y tế giải quyết cơ bản các bất ổn hệ thống, tính không hiệu quả trong đầu tư y tế công và sự sụt giảm lòng tin xã hội với người thầy thuốc trong thời gian qua thì đọc Đề án của Bộ Y tế, tôi thấy vẫn chưa có gì đột phá.
Những tồn tại của ngành y tác động gây sụt giảm niềm tin từ người dân. Và phải chăng đó cũng làm giảm đi hiệu quả của công tác khám chữa bệnh của toàn dân, thưa ông?
- Y đức bị vi phạm nhiều do cơ chế giám sát thiếu khoa học, khách quan. Vấn đề cấu trúc hệ thống chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường, hành lang pháp lý tạo ra các chủ thể y tế công méo mó về chức năng và triết lý hành động, y tế tư thì lệch lạc thiếu kiểm soát, còn y tế phi lợi nhuận thì vắng bóng trên thị trường chăm sóc sức khỏe.
Động lực phát triển y tế trong thời gian qua thực chất là cố gắng tạo ra nhiều dịch vụ để tận thu, trong bối cảnh thiếu vắng cơ chế giám sát đánh giá chất lượng độc lập khách quan.
Chính điều này tạo nên một môi trường thuận lợi cho những vi phạm y đức nảy nở. Hậu quả là lòng tin của người bệnh và xã hội nói chung vào ngành y bị sụt giảm.
Thưa ông, quan trọng nhất phải phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng công tác dự phòng của ta lại có quá nhiều yếu kém?
- Muốn dự phòng tốt phải có hai chủ thể. Dự phòng phải được thực hiện ở từng cá nhân, con người, trong từng gia đình với kiến thức khoa học và sự hướng dẫn trợ giúp thực hành đến từ khối chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Muốn y tế dự phòng tốt phải nhìn lại cấu trúc chăm sóc sức khỏe bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, nói đến hệ thống y tế hiện mới chỉ nói đến một vế là y tế công và tư bao gồm các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế mà không biết rằng hệ thống y tế gồm 2 chân là các cơ sở y tế chuyên môn; và chân thứ hai là y tế tự dân-y tế của dân, tự trong dân là vấn đề tự chăm sóc, giúp đỡ cộng đồng, chăm sóc tại gia đình. Đây là đất để y tế dự phòng phát triển.
Về cơ bản với công nghệ phát triển hiện đại càng ngày càng tiến tới việc người dân tự xác định sức khỏe, tiếp cận thông tin và có quyền biết chất lượng của các cơ sở dịch vụ y tế để lựa chọn tiếp cận từ dự phòng cho đến điều trị. Nếu có quan điểm động như vậy mới có định hướng đúng trong hoạt động y tế dự phòng trong thời gian tới.
Vậy theo ông từ Đề án trình Trung ương chúng ta cần phải lưu tâm đến vấn đề gì?
- Điểm đầu tiên và quan trọng là chỉ đạo của Đảng đã xác định phát triển theo nền kinh tế thị trường, trong đó ngành y tế hay giáo dục đều nằm trong bối cảnh chung cạnh tranh với các nước trên thế giới. Cạnh tranh trong y tế và dịch vụ y tế chính là cạnh tranh về chất lượng và giá thành.
Trong nền kinh tế thị trường có nghĩa phải chấp nhận thị trường tham gia vào cân đối, mối quan hệ giữa các thành phần y tế tham gia vào cung cấp dịch vụ y tế.
Nếu chủ trương xã hội hóa chấp nhận kinh tế thị trường thì các chủ thể cung cấp dịch vụ y tế trong nền kinh tế thị trường gồm những ai, đồng thời phải thiết lập được hành lang pháp lý cho các chủ thể này ngang bằng trong cạnh tranh.
Như thế mới tạo được sự thi đua, kiềm chế mặt xấu. 3 chủ thể lẽ ra phải có trong nền kinh tế thị trường trong cung cấp dịch vụ y tế thì cho đến nay trong Đề án của Bộ Y tế không nêu ra được xuất phát điểm.
Do đó cần xác định cho rõ hành lang pháp lý, phải tồn tại 3 chủ thể một cách khách quan về y tế công, y tế tư, và y tế phi lợi nhuận. Nếu không chỉ ra được chúng ta vẫn rơi vào cái cũ là y tế công và y tế tư đơn thuần mà thiếu khuyết y tế phi lợi nhuận.
Y tế công có chính sách đẩy theo hướng tự chủ, giảm ngân sách nhà nước. Nhưng trong thời gian qua y tế công đã “nhuốm màu”; y tế công-tư lẫn lộn; y tế tư thì “nhuốm màu” hợp tác với “công” để cùng nhau “khai thác” người dân cho mục đích lợi nhuận. Từ đó “đẻ” ra nhiều mặt trái của chăm sóc y tế thị trường hiện nay.
Do đó Luật Khám chữa bệnh phải thay đổi. Phải sửa lại trong khám chữa bệnh không chỉ có công và tư mà phải có công tư, phi lợi nhuận.
Đồng thời hành lang pháp lý của BHYT phải làm sao cho các chủ thể đều có khả năng tiếp cận cung cấp dịch vụ, và bảo hiểm phải chi trả.
Trân trọng cảm ơn ông!