Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài và bảo hộ công dân của Việt Nam đã có những bước tiến nhất định; góp phần phát triển kinh tế đất nước đồng thời bảo đảm cuộc sống, nâng cao thu nhập của người dân lao động.
Với chủ trương không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá mà bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ra nước ngoài làm việc cũng như sau khi về nước có việc làm phù hợp trong những năm qua công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), từ năm 2014 số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo ước tính, mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động Việt Nam gửi về nước khoảng 1,5 tỷ đô-la Mỹ, góp phần phục vụ đắc lực cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, nâng cao mức sống nhân dân; giải quyết nhu cầu việc làm, đào tạo nghề; góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Thêm vào đó, người lao động có điều kiện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng sau khi về nước.
Về đối tượng lao động được nhận hỗ trợ, Điều 20 Quyết định 40/2021/TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước quy định, nội dung hỗ trợ từ Quỹ cho các hoạt động liên quan trực tiếp đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Quyết định này chỉ áp dụng trong trường hợp các hoạt động này không được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn tài chính của doanh nghiệp. Như vậy, không phải người lao động nào khi đi làm việc tại nước ngoài không may gặp rủi ro cũng được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ kinh phí.
Bên cạnh hành lang pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, Điều 3 Quyết định 40/2021/TTg quy định, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước với mục đích nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Theo thống kê của Quỹ Lao động ngoài nước, trong 3 năm từ năm 2019 đến năm 2021 đã có 198 thân nhân gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài tử vong được nhận hỗ trợ, có 180 người lao động bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro,ốm đau bệnh tật không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc phải về nước trước hạn .
Với mong muốn đi XKLĐ tại Đài Loan để có một số vốn làm ăn nhưng chị Trần Thị H phải về nước trước hạn vì lý do sức khỏe. Tuy số tiền chị nhận được từ Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước không nhiều song với chị H đây là khoản tiền rất có ý nghĩa giúp chị có thêm chi phí hồi hương hơn nữa cũng là niềm an ủi rất lớn về tinh thần dù đi làm tại nước bạn nhưng vẫn được Nhà nước bảo hộ và đảm bảo về quyền lợi khi không may gặp rủi ro về sức khỏe.
Cũng như giống như H anh N.V.T làm thợ tàu tại Hàn Quốc phải về nước trước hạn vì tai nạn lao động. Khi xảy ra sự cố cháy tàu anh đã nhận được sự bảo hộ và hỗ trợ kịp thời từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc ngoài ra anh nhận được hỗ trợ từ Quỹ lao động ngoài nước.
Có thể thấy rằng, Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm đối với công dân và thực hiện mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật quốc tế và nước sở tại nhằm bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao. Các cơ quan này có trách nhiệm bảo đảm công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật cũng như hỗ trợ, bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.