Phạm Công Danh là ai?

Đức Sơn 23/07/2016 22:17

Phất lên nhờ ngành vật liệu xây dựng, nên ước mơ phát triển ngành xây dựng luôn ấp ủ trong người Phạm Công Danh. Hơn 5 năm trước, Tập đoàn Thiên Thanh đã từng kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép thành lập một ngân hàng chuyên về xây dựng nhưng chưa được chấp thuận.

Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Từ buôn gạch vươn lên thành ông chủ của Tập đoàn Thiên Thanh - một đại gia “cỡ bự” trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, du lịch, nhà hàng, khách sạn, đầu tư tài chính, bất động sản… nhưng cái tên Phạm Công Danh cũng không được nhiều người biết đến.

Chỉ sau khi có hàng loạt thương vụ đình đám của Tập đoàn Thiên Thanh và sự cố tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), dẫn đến việc “ông trùm” này phải “xộ khám” thì cái tên Phạm Công Danh mới trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Đây được coi là “đại án” kinh tế lớn ở nước ta từ trước đến nay.

Xuất thân buôn gạch...

Sinh và lớn lên ở Quảng Ngãi, như bao người khác, Phạm Công Danh cũng ấp ủ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Trong quá trình lập nghiệp, Danh cũng gặp nhiều sóng gió, đó là việc năm 1990, Danh bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên phạt 6 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”.

Hết án phạt, nhận thấy ngành vật liệu xây dựng có nhiều tiềm năng để phát triển, Danh lập cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Có ít vốn lận lưng, Danh tham gia vào Hãng gạch bông Hương Sơn để phục vụ mục đích làm ăn lớn.

Khi đã “đủ lông đủ cánh”, năm 2000, Danh lập ra Công ty TNHH Thương mại-Vật liệu xây dựng-Trang bị nội thất Thiên Thanh và chuyển hẳn trụ sở vào TP HCM để tiện cho việc làm ăn.

Sau nhiều lần đổi tên, cái tên Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được sử dụng đến thời điểm hiện tại. Ngoài lĩnh vực kinh doanh truyền thống vật liệu xây dựng- nội thất, Tập đoàn Thiên Thanh từng bước lấn sâu vào các lĩnh vực khác như đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính, du lịch, khách sạn, nhà hàng, mua bán ô tô… với mạng lưới kinh doanh phát triển trên toàn quốc.

Từ năm 2008, công ty này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trong đó riêng Phạm Công Danh nắm giữ 80% số vốn. Năm 2011, Tập đoàn Thiên Thanh đạt 2.025 tỷ đồng doanh thu và 188 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2011 lần lượt là 3.000 tỷ và 1.218 tỷ đồng.

Một trong những thương vụ lớn đầu tiên của Tập đoàn Thiên Thanh được nhiều người biết đến là mua lại khách sạn Green Plaza tại Đà Nẵng từ Tổng công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam với giá khoảng 350 tỷ đồng.

Đến nay, ngoài trụ sở chính và các đơn vị tại TP HCM, Tập đoàn Thiên Thanh còn có các chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương… với hàng loạt các dự án khủng. Thiên Thanh hiện đang có một dự án “khủng” ở Đà Nẵng là khu phức hợp Thiên Thanh Chi Lăng Plaza- Đà Nẵng có tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên tới 750 triệu USD.

Ngay thời điểm trước khi bị bắt, Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh từng khiến dư luận sửng sốt khi giới thiệu về dự án Khu phức hợp Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng - nội thất có 4 mặt tiền thuộc phường 15, quận 10, TP HCM với quy mô xây dựng 500.000 m2, tổng kinh phí đầu tư dự kiến ít nhất 500 triệu USD.

... Đến “ông trùm” ngân hàng cỡ bự

Phất lên nhờ ngành vật liệu xây dựng, nên ước mơ phát triển ngành xây dựng luôn ấp ủ trong người Phạm Công Danh. Hơn 5 năm trước, Tập đoàn Thiên Thanh đã từng kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép thành lập một ngân hàng chuyên về xây dựng nhưng chưa được chấp thuận.

Đầu năm 2012, Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) kinh doanh thua lỗ nặng nề và có nguy cơ phá sản. Cơ hội “vàng” thỏa ước mơ làm ông chủ ngân hàng đã đến, Phạm Công Danh lập tức đứng ra mua lại cổ phần từ các cổ đông cũ của Trustbank. Lúc này, Tập đoàn Thiên Thanh và cái tên Phạm Công Danh bỗng dưng trở thành đình đám khi dẫn đầu nhóm đầu tư mua lại Trustbank.

Khi đầu tư vào Trustbank, tỷ lệ sở hữu ban đầu của Tập đoàn Thiên Thanh là xấp xỉ 10%, tương ứng cổ phiếu có mệnh giá gần 300 tỷ đồng. Sau khi được tái cấu trúc vào năm 2012, Ngân hàng Đại Tín đổi tên Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) với số vốn điều lệ tăng nhanh chóng từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Lãnh đạo cũ của Trustbank lần lượt được thay bởi người của Tập đoàn Thiên Thanh.

Sau đó, Phạm Công Danh leo lên chức vụ Chủ tịch HĐQT nắm toàn quyền chi phối VNCB. Sau đó, mặc dù VNCB đang bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, với thủ đoạn tinh vi, Phạm Công Danh và đồng phạm đã rút ruột, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, do cần tiền để trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh, từ khoảng tháng 5/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp khác tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát.

Giữa năm 2013 và đầu 2014, Danh chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng “khống” thuê mặt bằng với 2 công ty của mình để chuyển hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.

Tài liệu điều tra cũng cho biết, từ cuối năm 2012 đến tháng 7/2013, Danh chỉ đạo hàng loạt lãnh đạo cấp dưới, lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỷ đồng vào tài khoản của Bích tại VNCB.

Trong đó hơn 16.260 tỷ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của Danh. Có tiền, Danh chuyển trả Bích hơn 9.600 tỷ đồng để tất toán các khoản vay trước đó, trả cho nhóm Phú Mỹ hơn 2.000 tỷ đồng, hơn 4.500 tỷ còn lại chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để trả nợ, đảo nợ.

Đến thời điểm khởi tố vụ án, các khoản vay này đã xong thủ tục tất toán. Thế nhưng, trong vòng vài ngày cuối tháng 8/2013, số tiền gần 5.200 tỷ đồng đã bị rút khỏi VNCB từ tài khoản của Bích nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này sau đó được chuyển đến tài khoản của Danh và “ông trùm” này rút ra để chi tiêu cá nhân.

Đến tháng 5/2013, dù báo cáo tài chính năm 2012 không có lãi, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án trọng điểm Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng, nhưng Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu.

Sau đó bán 1.000 trái phiếu cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Sau khi phát hành trái phiếu, Danh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng để đầu tư mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh từ nguồn tiền của ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.

Trong thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, cần tiền trả nợ cho các cá nhân và Ngân hàng khác, Danh đã chỉ đạo đồng phạm sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống. Lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP. Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng của VNCB.

Ngoài ra, còn có nhiều người đang là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh cũng được Phạm Công Danh cho làm Giám đốc các công ty “ma” do Danh chỉ đạo lập ra, các công ty này sau khi được thành lập không có bất cứ hoạt động gì. Mục đích của Danh lập ra là để đứng ra ký hồ sơ vay tiền, nhưng thực chất số tiền vay này Danh lấy ra và sử dụng.

Ngoài ra, Danh chỉ đạo cho 15 nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh rút 4.700 tỷ đồng tiền vay để trả nợ cho Ngân hàng BIDV, nhóm Phú Mỹ, nhóm của Trần Ngọc Bích. Số còn lại hơn 1.465 tỷ đồng Danh khai chi cho việc chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể.

Sau khi thẩm định lại giá trị 2 lô đất mà Danh sử dụng để vay thế chấp 5.000 tỷ đồng và cấn trừ, VNCB xác định bị thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng Phạm Công Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB.

Đem sự thông minh của mình để nghĩ ra các thủ đoạn tinh vi rút ruột, phá nát VNCB, đó cũng là nguyên nhân dẫn “ông trùm” này “xộ khám”.

Bắt đầu từ ngày 19/7/2016, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Được xác định giữ vai trò chính trong vụ án, bị cáo Phạm Công Danh (1965, tại Quảng Ngãi)- nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh bị xét xử về 2 tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Cùng bị xét xử về 2 tội danh trên còn có 6 bị cáo nguyên là thuộc cấp của Phạm Công Danh tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh.
Phiên tòa có 45 luật sư tham dự và 130 tổ chức, cá nhân là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Theo dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 18/8/2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phạm Công Danh là ai?