Trong khi người nông dân ở Đắc Lắc đang quay quắt trong “ma trận” các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp hiệu quả ngăn chặn.
Vườn tiêu của gia đình ông Trung khô héo sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá.
Gần 2 tháng nay, vợ chồng ông Nguyễn Sỹ Tuệ ở (thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) khóc chưa hết nước mắt khi vườn tiêu trồng xen trong 3,5 rẫy cà phê cho thu hoạch mỗi năm 4,5 tấn với giá trị gần 700 triệu đồng sau 5 ngày phun phân bón lá và thuốc trừ sâu, bỗng nhiên lá bị khô và rụng lả tả, bao nhiêu công sức chăm sóc bấy lâu nay giờ thành công cốc.
Ông phản ánh lên Đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật nhưng họ chưa có câu trả lời thỏa đáng. Cũng như trường hợp của ông Tuệ, gia đình ông Phạm Quang Trung (SN 1978, trú tại thôn 5, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) 5 năm nay đầu tư chăm sóc 1 héc ta tiêu không quản khó khăn vất vả, ông còn vay mượn 220 triệu đồng để đầu tư cho tiêu.
Đến năm 2015, tiêu mới ra bói và cho thu hoạch được gần 8 tạ. Năm nay, thấy tiêu ngày càng xanh tốt và sai quả, vợ chồng đang mừng thầm vì nghĩ rằng cuối năm nay vườn tiêu cho thu hoạch được ít nhất 2 tấn với giá khoảng 300 triệu đồng để trả nợ. Vậy mà, chỉ sau mấy ngày phun phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật, vườn tiêu bỗng nhiên khô và bắt đầu rụng lá.
Nhìn vườn tiêu chết khô anh Trung nói trong nước mắt: “giờ thì nợ lại chồng nợ rồi”. Theo anh Trung: Ngày 21/8, anh đến Đại lý vật tư Nông nghiệp Trông Từ (74 Hùng Vương, TT Quảng Phú, H. Cư M’gar) hỏi mua thuốc trừ sâu và phân bón lá. Nhân viên đại lý tư vấn và bán cho 3 chai thuốc trừ sâu Karate và 3 chai phân bón lá cao cấp Vitazyme.
Sau đó, nhân viên này hướng dẫn về pha 6 chai thuốc này vào 700 lít nước để phun cho tiêu, vậy mà khi phun vào thì lại bị như vậy. “Trước khi pha thuốc, tôi đã súc bồn rất kĩ”- Anh Trung khẳng định.
Không chỉ huyện Cư M’gar mà tại huyện Cư Kuin, ông Nguyễn Văn Hà ở thôn 11, xã Ea Tiêu cũng dở khóc, dở cười và rất bức xúc khi nghe lời giới thiệu của nhân viên tư vấn, ông mua 5 tạ phân bón NPK do một công ty ở tỉnh B sản xuất về bón cho 500 trụ tiêu của gia đình.
Bón cả tháng không thấy phân tan, nắm lên tay thấy phân có màu trắng đục và dẻo như đất sét. Dùng phải phân giả nên vườn tiêu nhà ông ngày càng xơ xác, kém phát triển, quả rụng nhiều, giảm năng suất. Ông Hà chia sẻ: “Nếu như năm trước, năng suất vườn tiêu của gia đình trung bình đạt 1,5-1,7 tấn/vụ thì hiện nay ước tính chỉ còn 1-1,2 tấn/vụ”.
Trước thông tin của người dân, ông Lê Văn Thành-Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết: Sau khi nghe phản ánh của người dân, chúng tôi đã cử cán bộ xuống lấy các mẫu về kiểm định.
Cụ thể, theo kết quả kiểm định của Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam cho thấy: Mẫu thuốc bảo vệ thực vật người dân mua trên thị trường đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, dung dịch thuốc bảo vệ thực vật (trong bồn pha) và mẫu thuốc tồn dư trên lá, hoa, quả và thân cây hồ tiêu, phát hiện có lẫn hoạt chất Paraquat (thuốc trừ cỏ).
Cũng theo ông Thành, hoạt chất Paraquat (thuốc trừ cỏ) được phát hiện tồn dư trong dung dịch phun của các hộ dân, có thể là do sau khi phun thuốc trừ cỏ cho các loại cây trồng khác, người dân đã chủ quan không súc bình phun thật kỹ và sử dụng bình phun này để tiếp tục pha trộn dung dịch phân bón lá, thuốc trừ sâu phun trên cây hồ tiêu, đây có thể là nguyên nhân chính khiến cây hồ tiêu bị cháy lá, rụng quả bất thường và hư hại vườn cây. Còn về mẫu phân bón lá đến nay vẫn chưa có kết luận kiểm định.