Thời gian qua, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở đã bất chấp các quy định của pháp luật, bất chấp đạo đức để sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại cho bà con nông dân và ngành nông nghiệp…
Lực lượng chức năng của Hậu Giang phát hiện trường hợp thuốc bảo vệ thực vật giả.
Ông Đỗ Văn Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương cho biết: Thời gian qua ngành quản lý thị trường cả nước mỗi năm kiểm tra, xử lý trên 3.000 trường hợp vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón giả các loại, góp phần bình ổn thị trường. Tuy nhiên tình trạng sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến rất phức tạp.
Do nhu cầu phân bón của người nông dân tăng cao nên nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ bất chấp quy định pháp luật, đã làm phân bón giả để chạy theo lợi nhuận. Thường họ dùng các nguyên liệu khác để pha trộn thành phân bón sau đó đóng vào bao bì của các nhà sản xuất có thương hiệu để lừa người tiêu dùng. Cũng có trường hợp cho phân bón kém chất lượng vào bao bì không in nhãn hiệu rồi chở đi nơi khác để pha chế thành phẩm.
Ông Lâm Ngọc Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ cho biết: Ở TP Cần Thơ 6 tháng đã tiến hành kiểm tra 9 vụ, tổng số vụ vi phạm và xử phạt 9 vụ, trong đó bán hàng hóa xâm phạm quyền 1 vụ, 8 vụ vi phạm về nhãn mác, thu nộp ngân sách gần 49 triệu đồng.
Điển hình là vụ cuối tháng 2-2016, lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an Cần Thơ đã kiểm tra hành chính tại kho sản xuất Cty TNHH MTV Hạnh Phát Hưng tại huyện Thới Lai và kho chứa hàng của bà Nguyễn Thị Kim Hạnh tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, tại thời điểm trên không xuất trình được giấy phép sản xuất phân bón, chưa cung cấp hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 13.721 bao phân bón, mỗi bao 50kg, trong đó 799 bao mang thương hiệu Hạnh Phát Hưng, 9.279 bao phân bón Trung Quốc, Na Uy, Indonesia, 3.070 bao phân bón Việt Nam sản xuất và 573 bao phân bón đã hết hạn. Công an Cần Thơ đã quyết định khởi tố vụ án với tội danh “Kinh doanh trái phép”.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 thành phố Cần Thơ, cho rằng: ĐBSCL sử dụng phân bón rất lớn, đây là thị trường màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tìm tới.
Ông Nguyễn Văn Nhàn - chủ đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật An Toàn, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết: Tôi bán thuốc bảo vệ thực vật được hơn 20 năm nay, thường người nông dân lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu uy tín để mua cho đảm bảo chất lượng khi sử dụng, tuy nhiên cũng không ít người, ham rẻ mà mua phải thuốc giả, kết quả là thiệt hại sản xuất. Ông Nhàn khuyến cáo người nông dân để tránh bị lừa, khi mua cần lưu ý các ký hiệu trên sản phẩm, thông tin trên bao bì. Đồng thời, ông Nhàn cũng đề nghị chính quyền địa phương cần quản lý chặt các hoạt động quảng bá thuốc tại địa phương thông qua các hội thảo, hội nghị lôi kéo người nông dân...
Các hành vi vi phạm trong sản xuất buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả kém chất lượng, được ngành chức năng chỉ rõ: Chủ yếu là bán hàng hóa chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; bán hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; thuê người khác thực hiện hành vi gia công đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Bà Trần Thanh Tiệp, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết: Phân bón phân phối đến các cơ sở kinh doanh tại Kiên Giang hầu hết qua nhiều trung gian. Các địa bàn kiểm tra phát hiện vi phạm thường là các huyện tập trung sản xuất nông nghiệp nhiều, chủ yếu là trồng lúa như Giang Thành, U Minh Thượng, Châu Thành, Giồng Riềng. 5 tháng đầu năm lực lượng chức năng của tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra 78 vụ, phát hiện và xử lý 1 vụ, cụ thể loại bỏ yếu tố vi phạm và tịch thu và hủy 480 chai phân bón xâm phạm quyền nhãn hiệu, kiểu dáng, tịch thu 2.674 đơn vị (kg, lít) phân bón không có hóa đơn.
Tại An Giang, theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 1.278 cửa hàng đại lý, đa số là cùng một nơi kinh doanh cả 2 mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống phân phối rộng khắp thuận lợi cho hoạt động sản xuất của người dân. Tuy nhiên cũng phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng rất nhiều đến khâu quản lý, kiểm soát, tạo kẽ hở cho phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Ông Đỗ Văn Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương nhấn mạnh: Để bảo vệ sản xuất, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, vấn đề cấp thiết là phải nâng cao hiệu quả phòng chống phân bón giả, kém chất lượng và các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất kinh doanh phân bón. Cần phải triển khai đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, đặc biệt quan tâm công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật cho các đại lý, người dân hiểu được các thủ đoạn, dấu hiệu của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng để phòng tránh…