Thực tế cho thấy, thời gian qua vấn đề phân cấp, phân quyền đã được đẩy mạnh. Song sự phàn nàn, kêu than của cấp cơ sở cũng như người dân và doanh nghiệp trong thanh tra, kiểm tra, hay những thủ tục rườm rà, sách nhiễu vẫn đang diễn ra, tạo kẽ hở cho cán bộ “vòi vĩnh”. Điều đó có nguyên nhân của việc phân cấp, phân quyền chưa được như yêu cầu.
Vì thế vấn đề phân cấp, phân quyền lại một lần nữa được các ĐBQH làm nóng nghị trường khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thực tế, tình trạng các địa phương, bộ, ngành “đẩy” việc lên Thủ tướng Chính phủ đang diễn ra khá phổ biến, kể cả những vụ việc chỉ thuộc cấp quận/huyện. Còn nhớ, cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo sửa đổi quyết định về việc đầu tư xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội, trong đó không được quy định trách nhiệm của Thủ tướng. Và cũng nhiều lần, Thủ tướng nhấn mạnh rằng: “Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế, tiến tới xoá bỏ cơ chế xin-cho. Cái gì thị trường làm được thì để thị trường làm, Chính phủ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển. Cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt thì để bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng”.
Nói vậy để thấy, sự cương quyết của Thủ tướng cũng là cách thể hiện tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm của một Chính phủ hành động. Nhưng thực tế thì phân cấp, phân quyền đã được nhắc đến nhiều lần nhưng những văn bản dưới luật chưa quy định rõ vấn đề này nên mới dẫn đến việc vấn đề nào cũng phải báo cáo xin ý kiến, chủ trương, từ đó sinh ra nhiều cấp trung gian. Và việc đưa ra những quy định rườm rà, là một nguyên nhân của lãng phí, tạo rào cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính đã nhận được phần lớn sự quan tâm của các ĐBQH. Mà như lời Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế-xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành. Không chỉ trao thẩm quyền cho Chính phủ như Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành mà còn tạo cơ sở pháp lý để phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.
Những băn khoăn được các ĐBQH đặt ra do việc quy định khung số lượng sẽ giúp thu gọn đầu mối hiệu quả, phát huy được tính năng động của các cơ quan trong bố trí cán bộ. Đồng thời gắn phân cấp, phân quyền với cơ chế kiểm tra, thanh tra. “Hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương phân định thẩm quyền tập thể và cá nhân còn rất chung chung, có tính chất nguyên tắc và theo một nhóm lĩnh vực quản lý nhà nước. Do vậy, khi ban hành luật, nghị định hay thông tư không thiết kế tiêu chí phân định thẩm quyền cá nhân giữa UBND và Chủ tịch UBND. Trong thực tế, thường hay quy định trao quyền cho tập thể, tức là UBND cấp tỉnh, dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào tập thể, hội họp nhiều, mất thời gian”- ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho hay. Vị nữ đại biểu của Đà Nẵng còn đề nghị, để nâng cao hiệu quả của phân cấp phân quyền, cần bổ sung vào Dự thảo luật nguyên tắc phân quyền theo hướng tập thể UBND chỉ quyết định những vấn đề lớn, đa ngành, những vấn đề cần giải trình HĐND và Chính phủ. Những vấn đề cụ thể, chuyên ngành thì trao quyền quyết định cho cá nhân là Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND. Còn HĐND, thường trực HĐND giám sát việc sử dụng quyền lực của UBND thông qua hoạt động giám sát thường xuyên. Có như vậy, hoạt động của cơ quan hành chính mới nhanh chóng, kịp thời, phát huy được trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ các cấp hành chính.
Hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số. một chính quyền địa phương dám chịu trách nhiệm, gần gũi và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân. Vấn đề lớn và cần được quan tâm nhất là phân cấp, phân quyền phải quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ để tránh “ôm đồm”, đẩy việc. Sự phân tách, làm rõ nguyên tắc phân cấp và nguyên tắc phân quyền, tách bạch rõ vai trò của Chính phủ và chính quyền địa phương vừa bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Do đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương khi được phân cấp, phân quyền đặt trong bối cảnh đổi mới tổ chức bộ máy, sắp xếp tinh gọn, hiệu lực của cơ quan hành chính nhà nước đang là việc hệ trọng gắn với xác định rõ trách nhiệm.