Phan Đăng, ‘ông cụ’ sinh năm 1984

TRẦN THỊ TRƯỜNG 23/07/2023 07:16

Trẻ, đẹp trai, ăn mặc lịch lãm, niềm nở, giọng nói rất truyền cảm, ấy là những gì thấy ở Phan Đăng khi gặp trong cuộc trò chuyện bên tách trà buổi sáng. Nhưng khi nói chuyện hay đọc những cuốn sách của Phan Đăng thì có cảm giác người này là "ông cụ". Có lẽ bởi lượng tri thức của Phan Đăng cho thấy, phải là người đã đi qua quãng dài thời gian, đã đọc vạn cuốn sách từ Đông sang Tây mà chỉ những người tuổi cụ mới đọc hết. Chưa kể là Phan Đăng lại còn mê thiền, mê sống chậm, mê những thứ mà người tuổi... các cụ mới hiểu để mê.

Tác giả Phan Đăng.

Nói vậy, bạn sẽ nghĩ thế nào về Phan Đăng? Nếu đem câu này hỏi, có lẽ Phan Đăng sẽ bảo: “Nghĩ thế nào cũng được. Chẳng thế nào cũng được... Ý nghĩ là của bạn, còn tôi là tôi. Tôi cũng đang đi tìm chính tôi đây...”. 39 tuổi mà đã làu thông kinh Phật, đã thích hành thiền, đã “Cắt để thấy”, “Đi để thấy”, “Nhìn để thấy”, “Soi để thấy”, “Thấy để không thấy” - tên 5 chương trong cuốn “39 đoản thiền để thấy” của Phan Đăng, mà có lẽ, không thấy lại là thấy tất cả..., cậu ta là vậy đấy!

Tôi có trải nghiệm của người đã sống trên 70 năm. Với trải nghiệm ấy, tôi nghĩ, để đọc ngần ấy, để có ngần ấy kiến thức thật chẳng dễ dàng. Ứng dụng những kiến thức đó vào cuộc sống, hay bước ra khỏi tầm chương trích cú, để nó ngấm vào mình, thực sự là của mình lại càng khó vô cùng. Phan Đăng đã xuất bản 4 cuốn sách, càng viết càng hay, cuốn sau tôi thích đọc hơn cuốn trước, có lẽ bởi những đoản văn viết bằng con mắt thiền, ít chữ mà giàu ý, giàu nghĩa.

Tôi đã đọc “Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi” một cuốn ký chân dung bóng đá Việt Nam. Tôi đã đọc “Ở trong đầu trí thức”, “39 câu hỏi cho người trẻ”, “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” và bây giờ là “39 đoản thiền để thấy” của Phan Đăng. Ngoại trừ cuốn mới nhất, các cuốn sách trước, đặc biệt là “39 câu hỏi cho người trẻ” đã được tái bản nhiều lần, và nếu tôi nhớ không nhầm, ở lần tái bản gần nhất, nó đã có một cái bìa mới thật ấn tượng.

Phải nói là đọc Phan Đăng tôi bỗng hiểu vì sao Phan Đăng có lượng người hâm mộ lớn và lâu dài như thế. Tư duy mạch lạc, biểu cảm triết lý nhưng không khô cứng, lời lẽ dễ hiểu, có khả năng dẫn dắt mà không dạy bảo - đấy là những điều mà thực sự cậu đã làm được.

Trong “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” có nhiều cuộc đối thoại rất sinh động, cho người đọc được hưởng nhiều thông tin khoa học và xã hội từ những câu hỏi sắc lẹm của tác giả và những câu trả lời trúng phóc của nhân vật. Đối thoại là hình thức phỏng vấn và trả lời. Là một đồng nghiệp, tôi rất nể cách dẫn dắt câu chuyện và đặt những câu hỏi thông minh của Phan Đăng, vì tôi nghĩ chính những câu hỏi đó khiến cho nhân vật biểu lộ hết chân dung của mình. Qua đó người đọc hiểu được nhân vật phỏng vấn đó, thời gian đó và tính thời sự của nó, cũng đồng thời thấy được bài học cho chính mình.

Ngày 8/7/2023, tôi đến dự buổi ra mắt sách của Phan Đăng. Thật đáng ghen tị bởi lượng người đến tham dự quá đông. Hội trường NXB Kim Đồng tại 55 Quang Trung - Hà Nội đã phải kê thêm rất nhiều ghế, vậy mà vẫn có hàng chục người phải đứng, nghe tác giả chia sẻ về tác phẩm mới trình làng. Người trẻ không ít, người già như tôi cũng nhiều, tất cả đều là gương mặt của người yêu thiền. Tức là đã có quá trình ngộ.

Đặc biệt hơn, hàng trăm con người trong hội trường đều nghiêm túc, im lặng, nghe và mua sách. Lạ nhất là khi mở đầu, Phan Đăng đề nghị, ai đeo kính thì hãy hạ kính xuống, nhắm mắt lại cùng thiền 3 phút. Phan Đăng dẫn thiền bằng một giọng nói có âm lượng vừa phải, ấm áp, tạo một cảm xúc an nhiên tự tại cho những người cùng thiền...

Tôi cũng từng nghe Phan Đăng diễn thuyết ở Trường Đại học Thái Nguyên, 60 phút không vấp váp, không lặp lại, không có câu thừa.

Tôi cũng đã nghe Phan Đăng trò chuyện trên truyền hình, từ “Sân cỏ chủ nhật”, “Chuyện bên ly cà phê”, “Bước ngoặt vào đời”... - giọng nói chuẩn, rõ ràng, giàu cảm xúc, phong thái dễ gần, thân thiện và cũng hóm hỉnh...

Tôi cũng đã từng bất ngờ và có phần tiếc nuối khi Phan Đăng thôi dẫn chương trình “Ai là triệu phú” của VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, và gần đây là thôi giữ chức Thư ký tòa soạn của tờ báo danh tiếng An ninh thế giới giữa tháng và cuối tháng, những vị trí mà tôi biết là rất nhiều người mong muốn được ngồi vào.

Cuốn sách “39 đoản thiền để thấy” do NXB Kim Đồng ấn hành.

Nhưng khi đọc sách của Phan Đăng và nghe bạn ấy trò chuyện trên kênh YouTube “Diễn giả Phan Đăng” với hơn 200.000 người theo dõi thì tôi thấy việc bạn ấy thôi những việc kia là có lý và có ích cho cuộc sống hơn.

Mà sâu thẳm ra, việc Phan Đăng từ bỏ tất cả các chức vụ, các vị trí đó dường như cũng chính là cách mà một người đang thực sự quay vào bên trong, để tìm mình. Phía sau “39 đoản thiền để thấy” thực sự là hành trình của một con người đã đi tìm một con đường riêng của mình, đúng như nhận xét của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều - người viết lời giới thiệu cho cuốn sách này:

“Đây không phải là một cuốn sách thông thường. Đây là con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong cái thế giới của chính cá nhân mình mà thôi. Đấy là con đường khó nhất và đấy cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống.

Quả thực, đọc xong cuốn sách này, tôi có ý định từ chối viết lời giới thiệu. Bởi tôi viết gì thì vẫn ở trong cuốn sách ấy. Nhưng tôi chợt nhận ra Phan Đăng chính là tôi, chính là bạn. Bóng tối hay ánh sáng trong tác giả cũng chính là bóng tối hay ánh sáng của bạn và của tôi. Con đường tác giả đi cũng là con đường của bạn và của tôi phải đi nếu bạn và tôi muốn tới được nơi nhân loại đã đi tìm trong toàn bộ lịch sử của mình.

Mỗi trang sách cuốn tôi đi. Cho đến khi đọc hết dòng cuối cùng của cuốn sách, tôi bừng tỉnh và nhận thấy có hai con đường. Đấy là con đường của bông hoa và con đường của cái hạt. Cả hai đều đi tới cái đẹp. Một con đường để ra đi và một con đường để trở về. Con đường thứ nhất là con đường mở cánh của bông hoa. Mỗi câu chuyện trong từng chương của cuốn sách là hành trình của Phan Đăng ra đi. Cuộc ra đi ấy chính là đi về phía cái TÔI của mình và phải đối mặt với cái TÔI ấy.

Trong thế giới cái TÔI vô tận ấy là tất cả những gì có trong đời sống con người với quá nhiều bóng tối. Nhưng ở trong bóng tối của chính mình, tác giả nhìn thấy hoa nở. Bóng tối ấy là tác giả và hoa nở ấy cũng là tác giả. Nhưng hoa chỉ nở khi tác giả thừa nhận bóng tối của mình. Ánh sáng không cách biệt bóng tối như hai thửa ruộng cách nhau bằng một cái bờ. Ánh sáng ở trong bóng tối và ngược lại. Phan Đăng càng nói về bóng tối, thừa nhận bóng tối trong chính con người anh và bước qua thì hoa càng nở.

Con đường thứ hai là con đường của một hạt cây. Đấy là con đường trở về. Tác giả đi qua bóng tối để tự nở hoa. Nhưng con đường trở về của tác giả là con đường của một cái hạt. Cái hạt là sự tinh kết tất cả sự sống và vẻ đẹp trong sự tĩnh lặng tận cùng của nó. Mỗi chương trong cuốn sách là một chặng đường và mỗi câu chuyện trong cuốn sách là một bước chân. Từ “Cắt để thấy” đến “Thấy để không thấy” là chặng đường ấy. Không có những bước ra đi như vậy sẽ không bao giờ có những bước trở về như vậy.

Khi Phan Đăng viết hai câu thơ: “Có một gã ăn mày/ Chợt ngồi nghe mây bay...” thì tôi như nhìn thấy toàn bộ Phan Đăng. Nhưng sự thật là hai câu thơ không phải được viết ra bởi bất cứ nghệ thuật ngôn từ nào mà bởi sự thức tỉnh. Gã ăn mày kia là chính anh. Vầng mây kia cũng là chính anh. Cái khoảnh khắc chuyển hóa từ gã ăn mày tới vầng mây chỉ trong một chớp mắt. Nhưng con đường dẫn ta tới được khoảnh khắc ấy có khi phải đi bằng bao kiếp người”.

Nếu được nói thêm một vài ý nào đó tiếp nối những ý tưởng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì tôi muốn nói: Hãy vững tin trên con đường mình đã chọn, Phan Đăng nhé!

Hạnh phúc lớn nhất của đời người đôi khi không nằm ở chỗ đã chính thức cán một cái đích, mà là đã chính thức nhìn ra và đi theo một con đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phan Đăng, ‘ông cụ’ sinh năm 1984

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO