Các chuyên gia cho rằng, tư duy cứ học sinh có học lực yếu, kém thì sẽ vào học nghề là một sai lầm. Trước thực trạng hiện nay, trường phổ thông đang chưa đủ năng lực để làm công tác phân luồng, hướng nghiệp.
Cần thay đổi tư duy phân luồng hướng nghiệp
Liên tiếp phản ánh của phụ huynh trên mạng xã hội vừa qua về việc một số trường THCS “ép” học sinh lớp 9 có học lực chưa tốt không thi lên lớp 10 cho thấy một thực tế, trong nhiều năm qua, công tác phân luồng hướng nghiệp đang bị biến tướng.
Trước những ồn ào đáng tiếc xảy ra trong những ngày vừa qua, trao đổi với phóng viên, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, phân luồng, hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc ở cấp THCS.
Chương trình GDPT 2018 đã đưa hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp là một nội dung bắt buộc trong kế hoạch dạy học của các nhà trường. Công tác phân luồng, hướng nghiệp ở cấp THCS hiện nay chủ yếu thực hiện ở lớp 9.
Theo ông Tuấn Anh, mặt tích cực của hoạt động này là giáo viên trên cơ sở đánh giá đúng năng lực của học sinh để có những gợi ý có tính chất tư vấn cho học sinh và phụ huynh hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của từng học sinh.
Công tác này rất quan trọng, nhất là đối với học sinh ở nông thôn, nơi mà cha mẹ học sinh chưa có điều kiện tiếp cận đủ thông tin để tự hướng nghiệp cho con em mình. Trên cơ sở gợi ý tư vấn của giáo viên và của các chuyên gia, nhiều học sinh đã có sự lựa chọn phù hợp. Trong đó có nhiều em đã chủ động phân luồng sau THCS mà không tiếp tục học lên THPT.
“Tuy nhiên trong thực tiễn việc phân luồng, hướng nghiệp sau THCS cũng nảy sinh những bất cập khiến dư luận xã hội chưa đồng tình. Những bất cập này không phải do chủ trương, chính sách, mà do cách làm của một số đơn vị chưa phù hợp, thậm chí trái quy định”, ông Tuấn Anh cho biết.
Khẳng định vai trò quan trọng của công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS, tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, trường phổ thông hiện nay chưa đủ năng lực để làm công tác phân luồng, hướng nghiệp.
Theo TS Vinh, ở nhiều trường THCS, vai trò định hướng cho học sinh sau lớp 9 được giao cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm sẽ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nên theo con đường nào, nhưng cụ thể hơn nữa thì giáo viên chủ nhiệm không làm được. Bởi các thầy cô không nắm rõ về hướng nghiệp, không hiểu về thị trường lao động.
“Thời điểm học sinh chưa thi chuyển cấp đã có những ồn ào đáng tiếc xảy ra. Công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh rất nhạy cảm, sẽ có phụ huynh, học sinh cho rằng những lời khuyên của giáo viên là ép buộc. Như vậy, giáo viên chủ nhiệm dù có ý tốt nhưng cũng bị hiểu lầm. Thế nên, đã đến lúc cần thay đổi tư duy phân luồng hướng nghiệp”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Cần chuyên nghiệp, bài bản
Ông Hồ Tuấn Anh cho biết, một trong những bất cập khiến dư luận xã hội dậy sóng trong thời gian qua là lấy danh nghĩa phân luồng để ép học sinh, phụ huynh ký cam kết không thi lớp 10 thì mới xét tốt nghiệp.
Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “Dù giải thích thế nào thì làm như vậy là sai, không đúng với chủ trương phân luồng sau THCS”.
Đối với Trường THCS Quỳnh Phương, về cơ bản triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh theo các quy định của Nhà nước và có hiệu quả. Các nội dung tuyên truyền hướng nghiệp được nhà trường lồng ghép vào các tiết học, sinh hoạt lớp, chào cờ.
Bên cạnh đó, trường mời các chuyên gia, giáo viên trường nghề về tư vấn trực tiếp cho học sinh phụ huynh, đưa ra các thông tin nhu cầu lao động ở địa phương...
“Trên cơ sở các thông tin đó, học sinh, phụ huynh căn cứ vào năng lực, nhu cầu, điều kiện của mình để có lựa chọn phù hợp nhất. Hàng năm trường chúng tôi có khoảng 25% đến 30% học sinh lớp 9 chọn phương án học nghề thay vì tiếp tục học lên THPT”.
Ở bậc THPT, bà Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn – Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông bắt đầu từ giáo viên chủ nhiệm kết hợp với cha mẹ học sinh và nguyện vọng của chính học sinh.
Theo bà Hạnh, hiện nay, các trường THPT thường mời chuyên gia hoặc là đại diện các trường đại học, nhóm các trường đại học để hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, hướng dẫn học sinh tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm về hướng nghiệp do Bộ GDĐT tổ chức.
Tuy nhiên, thực tế từ cơ sở, bà Hạnh chỉ ra một trong số hạn chế trong công tác này là kiến thức hướng nghiệp của giáo viên chưa thật tốt.
“Tôi cho rằng cần thiết phải tập huấn công tác hướng nghiệp cho giáo viên. Mặt khác, giáo dục hướng nghiệp không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường mà cần sự đồng hành của phụ huynh và nỗ lực của học sinh", bà Hạnh cho hay.
Sở dĩ công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông không có tác dụng nhiều bởi theo TS Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, đội ngũ giáo viên kiêm nghiệm công tác này chưa được đào tạo bài bản nên còn hạn chế về năng lực thực hiện, nội dung chương trình, cách tiếp cận vấn đề còn chưa ổn; chưa phối hợp chặt chẽ giữa trường phổ thông và trường nghề; thông tin về thị trường lao động còn hạn chế… nên khó thuyết phục học sinh và phụ huynh tham gia phân luồng, hướng nghiệp.
TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: "Công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh THCS cần được thực hiện bài bản giữa nhiều đơn vị, giữa trường trung học, trường nghề, thậm chí cả cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương".
Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh công tác tuyển sinh hướng nghiệp.
Song nhìn vào thực tế trong các năm qua, tỷ lệ học sinh chọn ngành, nghề chưa đúng sở trường, năng lực còn khá cao. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng phổ biến. Nếu không thay đổi tư duy, cách làm thì công tác phân luồng hướng nghiệp vẫn còn giậm chân tại chỗ.