Một tòa án Pháp đã gây tranh cãi khi đưa ra phán quyết yêu cầu nhà nước trả 560 USD cho một thủ phạm khủng bố vì đối tượng này đã bị xâm phạm quyền riêng tư khi bị giam trong tù.
Tên Salah Abdeslam (Ảnh: Twitter).
Salah Abdeslam, 29 tuổi, là thủ phạm duy nhất còn sống sót trong vụ tấn công khủng bố năm 2015 ở Paris khiến 130 người thiệt mạng và khoảng gần 400 người bị thương. Abdeslam bị kết tội đã hỗ trợ cho âm mưu tấn công đẫm máu, hỗ trợ hậu cần cho các phần tử trực tiếp tấn công và tham gia vào quá trình sản xuất chất nổ sử dụng trong vụ việc. Giới chức Pháp cũng xác nhận hắn có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Bỉ bắt Abdeslam năm 2016 và hắn bị đưa về giam trong nhà tù Fleury-Mérogis ở Pháp trong cùng năm. Y bị kết án 20 năm tù giam năm 2018. Trong suốt quá trình bị giam giữ, Abdeslam đã bị giám sát 24/7 theo lệnh của Bộ trưởng Tư pháp Pháp thời bấy giờ Jean-Jaques Urvois. Cụ thể, lệnh này cho phép việc ghi hình bằng CCTV với Abdeslam, đối tượng được xếp vào mức độ nguy hiểm cao.
Báo Pháp Le Figaro cho hay, một tòa án hành chính ở Versailles vào tháng 3/2017 đã nhận định rằng việc theo dõi Abdeslam sát sao như vậy được coi là hành vi phạm pháp. Luật sư của Abdeslam, Frank Berton, cho rằng việc theo sát thân chủ của ông đã vi phạm hiến pháp Pháp về việc duy trì quyền riêng tư cá nhân.
Sau khi thắng kiện, ông Berton được yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng của thân chủ, nhưng Abdeslam đã từ chối khoản bồi thường này. Câu chuyện này đã được nhà báo Elsa Vigouroux ghi lại trong cuốn sách mới xuất bản “The Journal of Frank Berton”.
Ngay sau khi Le Figaro công bố thông tin trên, dư luận Pháp đã tỏ ra bức xúc với hệ thống tư pháp của nước này khi quan tâm tới quyền riêng tư một tên tội phạm bị kết án khủng bố trong khi đây là đối tượng đã tham gia vào âm mưu khiến hàng trăm người thương vong.
Lãnh đạo đảng chính trị Debout de la France N. Dupont-Aignan gọi bản cáo trạng là “đáng xấu hổ”. Chính trị gia Jean Messiha từ đảng National Rally cũng có đồng quan điểm, chỉ trích rằng hệ thống pháp lý Pháp trở nên “điên rồ”, sử dụng pháp quyền để chống lại chính luật pháp và nhà nước.
Cư dân mạng xã hội Twitter cũng bất bình với thông tin nói trên. Một người tên là Perrin viết rằng: “Tại Pháp, nạn nhân không được đền bù mà lại là kẻ khủng bố”.