Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông đã nhất trí với người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin về việc Paris không yêu cầu áp thuế mới với các công ty công nghệ.
Ngày 22/1, Pháp thông báo đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về tranh cãi song phương liên quan đến quyết định triển khai thuế kỹ thuật số của Paris.
Tuy nhiên, hai nước sẽ tiếp tục thảo luận về cách thức thúc đẩy quá trình xây dựng lại những quy định về thuế quốc tế được áp dụng lâu nay.
Trả lời báo giới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông đã nhất trí với người đồng cấp Mỹ Steven Mnuchin về việc Paris không yêu cầu áp thuế mới với các công ty công nghệ, trong khi Washington đồng ý tạm ngưng các khoản thuế đáp trả nhằm vào hàng hóa Pháp.
Ông nói: “Pháp và Mỹ đã nhất trí sẽ thảo luận để tìm một giải pháp ở cấp độ toàn cầu về vấn đề thuế kỹ thuật số và thuế quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết rõ rằng quá trình thảo luận sẽ dựa trên những quy định cơ bản của OECD.”
Năm ngoái, Pháp đã thông qua luật áp thuế các công ty công nghệ lớn trong bối cảnh những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm một mô hình mới cho phép đánh thuế các khoản doanh thu thông qua hoạt động bán hàng và quảng cáo trực tuyến, dậm chân tại chỗ.
Hiện nay, các công ty công nghệ chỉ phải trả một khoản tiền rất nhỏ cho chính phủ các quốc gia mà họ không đặt các cơ sở hạ tầng kinh doanh.
Nhưng theo luật mới của Pháp, các công ty công nghệ có doanh thu tại Pháp từ 25 triệu euro (28 triệu USD) và doanh thu toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên sẽ phải trả mức tối đa 3% doanh thu có được nhờ hoạt động tại thị trường này.
Mỹ đã đe dọa đáp trả bằng cách áp thuế nhằm vào các mặt hàng chủ lực của Pháp, với lý do luật mới cho phép áp thuế với các hãng công nghệ lớn, như Netflix và Amazon, có hoạt động thị trường tại quốc gia này kể cả khi những hãng này không đặt trụ sở hay văn phòng dại diện tại Pháp.
Biện pháp đáp trả của Mỹ có thể khiến khối lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp phải chịu thuế nhập khẩu khi vào thị trường Mỹ, trong đó có những sản phẩm xuất khẩu quan trọng như rượu vang, mỹ phẩm và túi da.