Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp với nữ Thủ tướng Anh Theresa May tại Paris hôm 14/6 đã nói rằng cánh cửa “luôn rộng mở” nếu nước Anh muốn trở lại EU, dù cho bà May nói rằng các vòng đàm phán về Brexit sẽ khởi động trong tuần tới.
Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee. (Nguồn: AFP).
“Đương nhiên cánh cửa này sẽ luôn rộng mở miễn là các vòng đàm phán về Brexit chưa được hoàn tất” - Tổng thống Macron nói trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng người dân Anh đã đưa ra quyết định của mình là rời khỏi liên minh 28 nước này trong cuộc trưng cầu 1 năm trước, thêm rằng khởi động các vòng đàm phán Brexit là một cột mốc hết sức quan trọng. “Một khi nó được kích hoạt, chúng ta cần phải hiểu rõ rằng sẽ rất khó để đảo ngược”, ông Macron nói.
Trong khi đó, Thủ tướng May nhấn mạnh rằng bà sẽ khởi động quá trình thảo luận Brexit trong tuần tới tại Brusssels, nói rằng các vòng đàm phán này vẫn sẽ diễn ra bất chấp những khó khăn chính trị mà bà đang phải đối diện trong nước, sau kỳ bầu cử.
“Tôi nghĩ rằng luôn có sự đoàn kết trong mục đích của người dân Anh. Đó là sự đoàn kết thể hiện rõ trong quyết định rời khỏi EU, điều mà chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy và biến nó thành một thành công” - bà May nói.
Cả hai nhà lãnh đạo cũng đưa ra một thông điệp rằng, dù Brexit có xảy ra thì cả Anh và Pháp vẫn sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác với nhau. Họ cũng tuyên bố một kế hoạch hành động chung nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan và các chương trình tuyên truyền khủng bố trên Internet, buộc tội các công ty Internet và mạng xã hội đã đưa ra quá ít biện pháp để giải quyết vấn nạn này.
“Các biện pháp trên là nhằm đảm bảo rằng Internet sẽ không còn là một nơi an toàn cho những kẻ tội phạm hay khủng bố, và nó không thể bị lợi dụng để chứa chấp các tư tưởng cực đoan” - bà May nói.
Được biết, các biện pháp trên sẽ ưu tiên tăng cường truy ra hình thức liên lạc mã hóa mà những kẻ cực đoan sử dụng nhằm thoát khỏi tầm kiểm soát của lực lượng an ninh, và các bộ luật mới để trừng phạt các công ty cung cấp dịch vụ Internet thất bại trong việc kiểm soát nội dung độc hại.
Facebook, Twitter cùng một số mạng xã hội khác từ lâu đã phàn nàn rằng họ không đủ khả năng để kiểm soát tất cả nội dung trực tuyến. Giới lập pháp Đức mới đây đã công bố một bộ luật quy định các công ty Internet phải gõ bỏ nội dung bị đánh dấu là có tư tưởng thù hận trong vòng 24 giờ.