Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã gỡ hàng nghìn nội dung, phạt 55 trường hợp với số tiền 555.939.000 đồng vì đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội trong 9 tháng năm 2024.
Tại hội nghị tổng kết lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024 của Bộ TTTT, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TTTT cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xác minh, xử lý, hạn chế tình trạng tin giả, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Theo đó, tính đến hết tháng 9/2024, Bộ TTTT tiếp nhận và xử lý 1.130 phản ánh liên quan đến tin xấu độc, lừa đảo, sai sự thật. Ngoài ra từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra TTTT đã kiểm tra, chấn chỉnh 168 tổ chức, cá nhân, trong đó xử phạt 55 trường hợp, phạt số tiền 555.939.000 đồng.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ TTTT đã thực hiện các biện pháp cứng rắn và linh hoạt với các nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 group và 153 trang vi phạm, đạt tỷ lệ 94%. Google cũng chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube, gồm 6.007 video và 36 kênh chứa hơn 39.000 video, tỷ lệ 91%. TikTok chặn gỡ 971 nội dung, gồm 677 video và 294 tài khoản chứa hơn 94.000 video, tỷ lệ 93%.
Ngoài ra, các nền tảng xuyên biên giới cũng được yêu cầu áp dụng AI và có nhân sự để chủ động kiểm duyệt nội dung và vị trí cài đặt quảng cáo, hạn chế quảng cáo có nội dung xấu độc. Bộ TTTT cũng thông tin, trong năm 2024, tình trạng quảng cáo có nội dung sai sự thật, phản cảm, xấu độc được đánh giá giảm 50% so với 2023. Tuy các nền tảng xuyên biên giới đã hợp tác với cơ quan quản lý nhưng vẫn chưa kiểm soát nội dung quảng cáo theo quy định pháp luật Việt Nam, tin xấu độc vấn liên tục xuất hiện, liên tục thay đổi thuật toán, hình thức phân phối dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện vi phạm…
Trong năm 2024 cũng đánh dấu sự tăng vọt số lượng lao động trong ngành game, với con số ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023 và doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT - Phạm Đức Long, ngày 9/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về bắt buộc các mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên MXH - quy định này nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản MXH.
Ngoài ra, Nghị định 147 sẽ tập trung triển khai xử lý vấn đề báo hóa trang TTĐT tổng hợp, MXH; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện các thủ hành chính về cấp phép game từ Bộ xuống các đơn vị thực thi, từ Trung ương xuống địa phương; Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý thông tin trên mạng theo nguyên tắc “các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia quản lý ngành, lĩnh vực trên mạng như trong đời thực”… và nhiều quy định khác nhằm tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực thông tin điện tử…
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong năm 2025 sẽ tập trung triển khai Nghị định 147/NĐ-CP, trong đó có quy định xác thực tài khoản của người sử dụng mạng xã hội bằng số điện thoại tại Việt Nam.