Vụ việc thu thập dữ liệu thông qua phần mềm độc hại Pegasus có liên quan đến hơn 50.000 số điện thoại di động được cho là thuộc diện đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016.
Ngày 18/7, báo chí quốc tế đưa tin nhiều chính trị gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà báo và các nhà hoạt động trên thế giới đã bị thu thập dữ liệu thông qua phần mềm độc hại Pegasus do công ty tư nhân NSO của Israel phát triển.
Ba tờ nhật báo gồm Washington Post, Guardian, Le Monde và nhiều cơ quan báo chí khác phối hợp điều tra một vụ rò rỉ dữ liệu cho biết vụ việc có liên quan đến hơn 50.000 số điện thoại di động được cho là thuộc diện đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016.
Tuy vậy, không phải tất cả những người nằm trong danh sách này sau đó đều bị tấn công mạng.
Các khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Maroc, Rwanda, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Thông tin cụ thể về các nạn nhân sẽ được công bố trong những ngày tới.
Theo báo Washington Post, trong danh sách có số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, cũng như các nhà hoạt động và giám đốc điều hành các công ty.
Trong khi đó, báo Guardian cho hay trong danh sách cũng có các nhà báo của nhiều tổ chức truyền thông trên thế giới như AFP, Wall Street Journal, CNN, New York Times, Al-Jazeera, France 24, AP, Le Monde, Bloomberg, the Economist, Reuters...
Trong phản ứng của mình, NSO cho rằng các thông tin trên là "vô căn cứ và bị thổi phồng". Công ty phát triển phần mềm gián điệp hàng đầu ở Israel khẳng định Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố, đồng thời tuyên bố sẽ không xác nhận danh tính của các khách hàng.
Trước đó, trung tâm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Đại học Toronto (Canada) đã từng phanh phui việc phần mềm Pegasus được sử dụng để xâm nhập vào điện thoại di động của các phóng viên Al-Jazeera và một nhà báo Maroc.