Phát hiện sai phạm kinh tế hơn 23 nghìn tỷ đồng

Đức Sơn 14/04/2016 14:44

Đó là Thông tin được công bố tại cuộc Họp báo Quý I/2016 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức vào sáng 14/4 tại Hà Nội.

Phát hiện sai phạm kinh tế hơn 23 nghìn tỷ đồng

Quang cảnh buổi họp báo quý I/2016 của Thanh tra Chính phủ.

Kiến nghị thu hồi 731 tỷ đồng, xử lý 156 tập thể

Theo TTCP trong quý I/2016, toàn ngành đã triển khai 1.553 cuộc thanh tra hành chính và 33.927 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 23.351,4 tỷ đồng và 1.973,5 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 731,5 tỷ đồng và 335,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 22.619,9 tỷ đồng và 1.637,9 ha đất; ban hành 60.661 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 642,7 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 156 tập thể, 34 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 5 vụ việc, 5 đối tượng.

Về Thanh tra hành chính: TTCP đã ban hành 4 quyết định thanh tra; 3 kết luận thanh tra; 3 thông báo kết luận thanh tra, 2 kết luận kiểm tra; xây dựng báo cáo và hoàn thiện kết luận 19 cuộc thanh tra; Thanh tra các bộ, ngành và địa phương tiến hành 1.551 cuộc thanh tra hành chính, đã kết thúc thanh tra trực tiếp 257 cuộc, tổng hợp kết quả từ các cuộc thanh tra đã kết luận, phát hiện sai phạm với số tiền là 370,2 tỷ đồng và 1.973,5 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 250,5 tỷ đồng và 335,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 119,7 tỷ đồng và 1.637,9 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 156 tập thể, 34 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 5 vụ việc, 5 đối tượng.

Trong Quý I, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 3.722 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ trên 57,5%. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân hơn 8,4 tỷ đồng, 7 ha đất các loại; trả lại quyền lợi cho 207 người, kiến nghị xử lý hành chính 115 người, khởi tố 4 vụ, 2 đối tượng.

Về công khai, minh bạch, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra 806 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 2 đơn vị vi phạm. Trong Quý I/2016, có 1 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngành Thanh tra đã phát hiện 4 vụ, 6 đối tượng tại Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Lâm Đồng và Đồng Nai có hành vi tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 3 cá nhân, xử lý hình sự 3 vụ, 5 đối tượng. Qua điều tra tội phạm, cơ quan chức năng khởi tố 24 vụ, 39 đối tượng có hành vi tham nhũng.

Phát hiện sai phạm kinh tế hơn 23 nghìn tỷ đồng - 1

Phát biểu tại buổi họp báo ông Phạm Trọng Đạt- Cục trưởng Cục chống tham nhũng
của TTCP đánh giá, kê khai tài sản vẫn mang nặng tính hình thức.

Kê khai tài sản chỉ là hình thức

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Trọng Đạt- Cục trưởng Cục chống tham nhũng của TTCP đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta đã có tiến bộ nhưng còn diễn biến phúc tạp, chưa ngăn chặn đẩy lùi được nhất là tham nhũng vặt. Lý do trong 3 tháng đầu năm 2016 phát hiện được 4 vụ tham nhũng với số tiền 3,1 tỷ đồng nhưng TTCP chỉ kiến nghị thu hồi 196 triệu đồng là vì hành vi tham nhũng rất đa dạng, phức tạp. “Nhận hối lộ cũng là tham nhũng, sai quy định cũng là tham nhũng… khi làm sai quy định thì lại phải chứng minh được việc làm sai đó có gây thiệt hại tài sản không, thiệt hại bao nhiêu nên xác định tài sản thu hồi ra sao là rất khó, phải xác định rõ mới đưa ra kiến nghị cục thể được…” ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh.

Về vấn đề kê khai tài sản, ông Phạm Trọng Đạt đánh giá đây là một trong những biện pháp quản lý tài sản của đối tượng có nguy cơ tham nhũng, cụ thể là quan chức cần phải kê khai. Tuy nhiên việc kê khai tài sản hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức. Lý do vì kê khai nhưng chưa công khai. Kê khai nhưng không có thẩm tra, xác minh, nhiều người kê khai không trung thực. “Tới đây Luật sẽ sửa việc kê khai tài sản theo hướng thu gọn đối tượng kê khai. Kê là phải công khai, còn công khai ở mức độ nào thì sẽ tính toán và phải có một cơ quan chịu trách nhiệm xác minh tính trung thực của người kê khai đó. Theo tôi, tài sản thì phải công khai, trừ bí mật của Nhà nước. Ở tổ dân phố cũng phải công khai. Quan chức phải công khai. Nếu không thì đừng làm quan chức nữa..” ông Đạt nhấn mạnh.

Theo TTCP cho biết, trong quý II/2016, TTCP dự kiến triển khai các cuộc thanh tra tại: Tập đoàn Dệt may; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Sở giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình, Kon Tum và Hậu Giang. Chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Tập trung vão lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Quản lý mua sắm tài sản và quản lý tài chính công; sử dụng nguồn kinh phí đầu tư cơ bản, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát hiện sai phạm kinh tế hơn 23 nghìn tỷ đồng