Các nhà khoa học Australia đã tiến hành thử nghiệm ở bang Queensland và phát hiện ra một loại vi khuẩn có thể khiến loài muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết không thể sinh sôi.
Các nhà khoa học Australia vừa phát hiện một loại vi khuẩn có thể tiêu diệt loài muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền bệnh sốt xuất huyết.
Nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) cùng một số viện nghiên cứu và các trường đại học tại Australia cho biết đã thả 3 triệu muỗi đực nhiễm khuẩn Wolbachia tại 3 địa điểm thử nghiệm ở bang Queensland trong vòng 20 tuần vào năm 2018.
Sau khi giao phối với các con muỗi đực nhiễm khuẩn Wolbachia, muỗi cái Aedes aegypti sẽ đẻ trứng, song không nở thành con.
Trong vòng 12 tháng, các nhà nghiên cứu nhận thấy số lượng muỗi trong các khu thử nghiệm giảm từ 80-97%. Đáng chú ý, các nhà khoa học cho biết việc giảm sự sinh sôi của loài muỗi không có khả năng gây ra bất kỳ tác động tiêu cực lớn nào về mặt sinh thái.
Giám đốc điều hành CSIRO Larry Marshall nêu rõ trong bối cảnh hơn 40% dân số nhiễm các bệnh do muỗi gây ra, phát hiện này là cơ hội để Australia phát triển công cụ kiểm soát muỗi thân thiện với hệ sinh thái.
Theo CSIRO, phương pháp này cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt loài muỗi Aedes albopictus (còn được gọi là "muỗi hổ" châu Á), cũng truyền virus, hiện đã xuất hiện trên quần đảo Torres phía Bắc bang Queensland.
Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, Zika và các loại virus khác. Loài muỗi này có mặt tại hơn 120 quốc gia và khiến hàng triệu người nhiễm bệnh mỗi năm.