Đã có nhiều hội thảo nhằm tìm ra phương án cải tạo, chỉnh trang và phát huy tối đa giá trị của cầu Long Biên. Một số đề xuất đã được đưa ra nhưng việc trùng tu, sửa chữa để đúng tầm vóc các giá trị vốn thuộc về cây cầu này, vẫn chưa thể thực hiện.
Chứng nhân lịch sử “oằn mình” trước thời gian
Cầu Long Biên, một trong những cây cầu thép lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20, được xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902, bắc qua sông Hồng. Nó đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Mặc dù có ý nghĩa lớn như vậy nhưng hiện nay, cầu Long Biên đang rơi vào tình cảnh xuống cấp nghiêm trọng, hàng ngày vẫn phải gồng gánh một tải trọng lớn phương tiện giao thông qua lại.
Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Ga Ngọc Hồi sẽ trở thành đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ xây dựng hai cầu đường sắt qua sông Hồng và sông Đuống, thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống.
Về vấn đề này, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đến lúc đó cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng phục vụ người dân hai bên đầu cầu và khách tham quan, du lịch. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ để tìm ra định hướng. Cần phải đứng ở góc độ coi cây cầu như một di sản của đô thị Hà Nội. Cùng với đó, phải tuân thủ nghiêm các tiêu chí về bảo tồn.
Phát huy giá trị cầu Long Biên
Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của cầu Long Biên, đã có không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm của giới chuyên môn, nhà quản lý và các chuyên gia văn hóa, lịch sử bàn về nội dung này. Cầu Long Biên cũng được nhắc đến nhiều trong các dự án trùng tu, khôi phục nhưng rồi lại chìm vào quên lãng.
Theo các chuyên gia, trong quá trình nghiên cứu phương pháp bảo tồn, tôn tạo cần lưu ý đến yếu tố gắn kết với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mới được phê duyệt gần đây. Để từ đó, cầu Long Biên và bãi giữa sông Hồng sẽ bồi đắp cho nhau, tạo nên không gian văn hóa, điểm đến du lịch, biến nơi đây trở thành công viên trung tâm của Thủ đô.
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đến thời điểm này cần có nghiên cứu khoa học phân tích các cứ liệu về lịch sử, kiến trúc, kỹ thuật, xã hội học và kinh tế để nhận diện đủ giá trị. Xây dựng các căn cứ pháp luật (như công nhận di sản, hình thành bộ máy quản lý hành chính và nguồn tài chính phù hợp). Tạo lập quan hệ hài hòa giữa khu vực lịch sử với toàn bộ thành phố thông qua các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và cả quy hoạch chi tiết. Rà soát lại quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng để điểu chỉnh hình thành trục không gian cảnh quan văn hóa Long Biên. Bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên phải có định hướng cụ thể đánh giá môi trường, tổ chức giao thông…
Còn theo KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị, cần nhìn nhận và đánh giá lại giá trị của Cầu Long Biên trong lịch sử và mối quan hệ của nó với cộng đồng không chỉ ở riêng Hà Nội. Cần một cách ứng xử thận trọng, khoa học và nhân văn. Việc khảo sát tổng thể và chi tiết là quan trọng và cần thiết trước các đánh giá giá trị. Trong mọi mặt cần phải có tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để cầu Long Biên hàng trăm năm tuổi được ứng xử như một di sản thì trước tiên Hà Nội phải đề xuất để cây cầu chính danh là một di sản. Cùng với đó, đề nghị sớm có tuyến đường sắt mới để thay thế tuyến đường sắt đang chạy qua cầu hiện nay, sau đó tiến hành bảo tồn và tôn tao. Khi đó, cần có sự chung tay, quy trình thực hiện sao cho hợp lý đến từ các nhà chuyên môn, đầu tư và phía chính quyền.
Theo kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, cầu Long Biên là một trong những biểu tượng không thể thay thế của Hà Nội bởi giá trị lịch sử, nét kiến trúc cổ kính và các đặc trưng không gian kiến trúc cảnh quan.Thành phố cần có giải pháp tổng quát từ quy hoạch cấu trúc không gian khu vực cầu, cảnh quan ven sông, hệ sinh thái đô thị, thiết kế cải tạo cảnh quan dọc tuyến đường sắt từ 131 vòm cầu phố Phùng Hưng đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng như các tiện ích cảnh quan để bảo tồn và phát huy có hiệu quả cầu Long Biên, gìn giữ giá trị lịch sử, tăng cường và bổ sung các hoạt động văn hóa cho cộng đồng dân cư đô thị. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, cảnh quan của cầu Long Biên không thể chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước, mà cần có sự kêu gọi sự tham gia của các cá nhân, tổ chức. Xã hội hóa trong tổ chức, quản lý và khai thác hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan khu vực cầu Long Biên cần gắn trực tiếp tới quyền lợi, hiệu quả hoạt động, thiết thực của chính quyền cùng các cá nhân, tổ chức và cộng đồng dân cư.