Ngày 25 -10, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tọa đàm góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự, phát biểu ý k
Văn hóa - giá trị nền tảng để phát triển bền vững
Tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định càng ngày chúng ta càng thấy rõ hơn văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và là động lực đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Văn hóa có khả năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng lành mạnh, bền vững, có khả năng làm giàu thêm các nguồn lực, nhân lên gấp nhiều lần sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, các giá trị văn hóa truyền thống cần phải được tiếp tục phát huy, nhưng phải đặt điều này trong bối cảnh thời đại và giá trị truyền thống Việt Nam phải được nâng lên ở tầm cao mới.
“Truyền thống nhưng không nên là cái kỳ dị trong mắt người bên ngoài. Truyền thống nhưng không phải cứ cái gì khác với nó là loại bỏ, hoặc kỳ thị. Chúng ta phát huy giá trị tuyền thống nhưng giá trị tiên tiến của nhân loại thì không nên xem thường hoặc bỏ qua. Có khá nhiều cái hay của thế giới văn minh, nhưng khi đem vào Việt Nam thì tại sao lại không tiếp thu được hoặc bị biến thành cái khác?”- GS Thuấn đặt vấn đề.
Theo GS Thuấn, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần tạo dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Khát vọng cống hiến để đưa đất nước sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới phải là niềm khao khát thường trực của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
Muốn làm được điều đó, theo GS Thuấn, bên cạnh phải chú trọng tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, bình đẳng và nhân văn cho toàn xã hội đề cao văn hóa gia đình. Cùng với đó tạo dựng giá trị văn hóa cho cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp với nguyên tắc làm giàu cho cá nhân, doanh nghiệp là làm giàu cho đất nước, không chấp nhận làm giàu phi pháp, thiếu nhân văn… thì cần tạo dựng một văn hóa chính trị theo hướng hội nhập.
“Văn hóa chính trị này không chỉ ở những người tham gia bộ máy công quyền, mà trong mọi tổ chức chính trị, xã hội khác. Sự gương mẫu, hy sinh, chính trực, công minh, tử tế cần phải được tôn vinh. Tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cửa quyền, bè phái, vụ lợi phải được xã hội đồng tình phê phán”- GS Thuấn nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, GS.TS Lê Hồng Lý- Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Viện Hàn lâm khoa học xã hội cho rằng, cần bồi dưỡng, xây dựng các nhân tài từ lúc còn “non” đến lúc trở thành những nhân tài mà cả thế giới công nhận. Chúng ta đã từng có Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu… làm rạng danh Việt Nam. Thế giới họ rất coi trọng điều này, coi đó là một thứ quyền lực mềm của quốc gia.
“Việt Nam liệu có nên tiến tới việc xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc hay một vài ngành công nghiệp văn hóa Mỹ đã làm. Điều này có thể còn khá xa, nhưng với tiềm năng văn hóa và con người Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể tính đến trong tương lai”- GS Hồng Lý đặt vấn đề.
Hội nhập nhưng không lai căng
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến các chuyên gia nhà nghiên cứu đặt vấn đề cần tạo dựng giá trị văn hóa lãnh đạo trong tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Bởi một người lãnh đạo có tầm nhìn, có sự hiểu biết sâu rộng, biết nhìn xa trông rộng sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho đất nước. Những người biết nắm bắt cái mới, xu thế của thời đại và nhìn ra khả năng của những người cấp dưới sẽ là một tài sản lớn cho quốc gia. Do vậy, Nhà nước các cấp cần có trách nhiệm phát hiện, tôn trọng tài năng và có chiến lược vun trồng để tài năng phát triển. Giá trị của người lãnh đạo hiện nay, cần được xã hội nhìn nhận là luôn cập nhật được tình hình mới, biết chớp thời cơ, dám quyết định và chịu trách nhiệm.
GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng, phải nâng cao nhận thức về vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay. Trong đó, có vai trò từ tấm gương của các vị lãnh đạo cấp cao. Khi có những tấm gương tốt thì thanh niên sẽ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình cũng như giữ gìn sự phát triển của văn hóa dân tộc.
GS Mai Quỳnh Nam- Viện Nghiên cứu con người đặt vấn đề, chúng ta nghiên cứu những mặt tốt trong văn hóa của con người Việt Nam thì cũng cần nghiên cứu cả những mặt trái, lực cản đến từ con người, văn hóa Việt Nam đối với sự phát triển.
TS Nguyễn Viết Chức- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa, xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, tương lai đất nước đang đặt lên vai thế hệ trẻ. “Thế hệ chúng tôi tóc bạc rồi, bao nhiêu kỳ vọng dồn vào các em. Ngoài rèn luyện tri thức, tiếp cận công nghệ, thế hệ trẻ cần có ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống. Hội nhập văn hóa nhưng không lai căng. Dự thảo văn kiện cần nhấn mạnh đến vấn đề này với những giải pháp cụ thể để phát huy vai trò văn hóa cũng như thế hệ trẻ”- ông Chức nói.
Phát biểu tại hội thảo, Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ, thời đại công nghệ hiện nay, smartphone, máy tính cá nhân, máy tính bảng rất thuận tiện cho giới trẻ tiếp cận thông tin, báo chí. Tuy nhiên, khi tiếp cận với thông tin từ báo chí, không phải lúc nào, giới trẻ và trẻ em cũng tìm được những thông tin tốt. Báo mạng hiện nay đưa rất nhiều thông tin khác nhau, khiến cho giới trẻ đang ngộ nhận nổi tiếng quá dễ dàng mà không cần phải trau dồi học tập, lao động. Cách đưa tin như vậy khiến cho giá trị vàng thau lẫn lộn trong văn hóa nghệ thuật. Những người cả đời rèn giũa cống hiến thì vẫn âm thầm lặng lẽ, trong khi đó nhiều người trẻ nổi lên, suốt ngày ở trang nhất báo mạng vì những scandal.
Văn hóa, giá trị trường tồn
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, qua tọa đàm “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, xung kích đi đầu trong xây dựng đất nước” là cuộc thảo luận giữa những người đã có nhiều trải nghiệm và các bạn trẻ. Trong lúc khó khăn nhất thì chúng ta dựa vào nền tảng văn hóa, vào sức trẻ của thanh niên để vượt qua. Ngược lại, lúc thành công cũng là nhờ có văn hóa, có thanh niên. Thời cuộc có thể thay đổi nhưng những giá trị văn hóa của ông cha sẽ trường tồn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi tọa đàm
Nhấn mạnh thách thức đối với sự phát triển đất nước trong những năm tới là hết sức mạnh mẽ, kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ, những người có khát vọng, trí tuệ, công nghệ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Thanh niên phải khắc phục được tính thiếu nghiêm túc, đó là thực thi pháp luật. Thanh niên phải đi đầu trong thực thi pháp luật, chấp hành kỷ luật kỷ cương. Phải đề cao tính trung thực, tuyên chiến với sự giả dối trong quan hệ, báo cáo. Tham nhũng, tiêu cực, bệnh thành tích cũng từ đó mà ra.
“Văn hóa có rất nhiều giá trị. Những yếu kém có trong nhiều lĩnh vực, nhưng trước hết chúng ta cần tập trung tuyên chiến với nạn giả dối và bệnh thành tích kéo dài trong xã hội thời gian qua”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ qua ý kiến của các nhà khoa học khẳng định văn hóa là sức mạnh nguồn cội để xây dựng chế độ vững mạnh, nhân dân hạnh phúc.
“Thiết bị, sáng chế có thể mua được nhưng văn hóa không dễ mua và không mua được. Chính vì vậy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như yêu nước, đoàn kết, thương người, bao dung, ý chí kiên cường, năng động sáng tạo phải gìn giữ phát triển để chúng ta là một quốc gia mạnh về văn hóa” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Liên quan đến việc phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần khẳng định vai trò của gia đình, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ để khuyến khích sự sáng tạo, ưu tiên việc trọng dụng nhân tài trong công tác quản lý, chăm lo đời sống phát triển văn hóa vùng đồng bào các dân tộc, các tôn giáo.
Ghi nhận những ý kiến trăn trở nung nấu của các nhà khoa học, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ hệ thống thành nhóm vấn đề để tập hợp báo cáo Ban soạn thảo đóng góp vào Dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng; đồng thời bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm về các vấn đề mà xã hội mà người dân quan tâm.
Ngày 26-10, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XII về vấn đề dân chủ trong thời kỳ bùng nổ Internet, giám sát và phản biện, phòng chống tham nhũng.
TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo:
Nền tảng hàng đầu là lòng nhân từChúng ta vẫn khẳng định là xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa, nhưng không có chiến lược trong từng thời kỳ. 70 năm xây dựng chế độ 30 năm đổi mới mẫu hình con người Việt Nam là gì chúng ta chưa trả lời được để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Trong Dự thảo văn kiện của Đại hội tới cần có chiến lược về xây dựng ý thức quốc gia về văn hóa.
Hiện nay hành vi lệch lạc nhiều. Chúng ta vẫn giáo dục thanh niên qua các phong trào nhưng đã bao giờ chúng ta nói với thanh niên về lòng nhân từ, kỹ năng của lòng nhân từ? Để xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại phải quan tâm đến những giá trị nền tảng mà hàng đầu là lòng nhân từ.
GS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu KT-CT thế giới:
Trọng dụng nhân tài là đột phá
Tại sao bây giờ nhiều người dối trá? Ông cha ta không dối trá. Cơ chế xin - cho đẻ ra sự dối trá. Hệ thống luật pháp cũng đang có vấn đề. Đơn cử như phòng chống tham nhũng, tại sao chúng ta chống mãi không được, không phải là trừng trị, mà phải bảo đảm có một cơ chế không sản sinh ra xin - cho, tham nhũng, tiêu cực.
Đột phá quan trọng nhất phải là trọng dụng nhân tài, vì nhân tài là nguyên khí quốc gia, nhưng hiện nay vấn nạn mua quan bán chức, chạy việc diễn ra phổ biến. Nếu không thay đổi được điều này thì đất nước chưa thể phát triển, mà sẽ dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình như cảnh báo của thế giới.
Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến trọng dụng nhân tài. Ngày xưa trạng nguyên, thủ khoa là được trọng dụng. Còn hiện nay, thủ khoa đi đâu? Tài năng ra nước ngoài học gần như không quay lại. Phải đưa nhân tài vào bộ máy nhà nước.
Anh Vũ