Ngày 10/8, tại Đồng Nai, Ban Dân vận TƯ phối hợp Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Quang cảnh hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tham dự và chủ trì hội nghị.
Trao đổi kinh nghiệm tại hội nghị, các đại biểu nêu rõ: Qua hơn 2 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW đã có những chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng gắn bó, mật thiết hơn. Các cấp ủy đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đã có những cách làm hay, sáng tạo, luôn chủ động đổi mới nội dung, phương thức trong việc giám sát, phản biện các vấn đề người dân quan tâm, góp phần tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực xây dựng Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, nhất là về năng lực, chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của một số cán bộ còn hạn chế dẫn đến công tác giám sát, phản biện chưa phát huy hiệu quả cao.
Trăn trở với hoạt động giám sát, phản biện, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông – Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cán bộ thiếu năng lực, không nắm vững Luật và các văn bản dưới Luật sẽ khó thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện. Đặc biệt, hiếm có địa phương nào tổ chức tập trung giám sát đột xuất các sự việc gây bức xúc dư luận, chưa tìm hiểu những chủ đề mà người dân quan tâm.
Bên cạnh đó hầu hết đại biểu khẳng định, thiếu cơ chế cụ thể đối với công tác giám sát, phản biện cũng khó đi đến thành công trong hoạt động này. “Giám sát, phản biện không chỉ tìm cái sai mà phải tìm thấy sự đồng thuận cao, tìm thấy vấn đề tốt để phát huy. Tuy nhiên, muốn hoạt động này hiệu quả hơn rất cần Luật hóa Quyết định 217, 218.
Cuối cùng là đi đến phân cấp hoạt động giám sát, phản biện không thể cấp trung ương làm gì thì cấp cơ sở cũng làm vậy”, ông Phan Phi Hổ - Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Định nêu quan điểm.
Cũng theo Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Định, cơ sở không thể thực hiện tốt hoạt động giống tỉnh, huyện cho nên chỉ giao cơ sở giám sát cán bộ đảng viên ở đó. Đồng thời, giám sát những việc mang tính cộng đồng.
Từ những thuận lợi, khó khăn mà Ban Dân vận, MTTQ các tỉnh – thành chia sẻ, bà Trương Thị Mai cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả giám sát, phản biện không cao. Đơn cử, không phải nhận thức của địa phương nào cũng giống nhau, không phải bí thư cấp ủy nào cũng quan tâm đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Kèm theo đó là công tác phối hợp thiếu nhịp nhàng, chồng chéo; chưa thể chế hóa hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
“Cần tiếp tục nghiên cứu những điểm không hợp lý của Quyết định 217, 218. Cố gắng thể chế hóa trong thực hiện giám sát, phản biện. Tiến hành tập huấn và hướng dẫn công tác giám sát, phản biện”- bà Trương Thị Mai nhấn mạnh định hướng hoạt động của công tác này trong thời gian tới.