Thời gian qua, một số địa phương thực hiện dự án đầu tư lắp camera an ninh - một vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, kinh tế của xã hội đã được dư luận rất quan tâm, được đưa ra bàn thảo từ trên nghị trường Quốc hội, cho đến mỗi gia đình. Liên quan đến việc lắp camera - “mắt thần” đã có nhiều vấn đề được đặt ra. Làm sao để một việc như lắp camera phát huy hiệu quả, không lãng phí, đúng pháp luật, phục vụ tốt cho việc quản lý xã hội, cho mỗi gia đình, tránh tham nhũng, lãng phí,v.v…
Việc ghi lại hoạt động của các đối tượng, sự kiện liên quan đã giúp rất nhiều cho việc quản lý xã hội.
Xã hội phát triển thì việc lắp camera theo dõi, ghi lại các hoạt động của con người, các loài vật, để phục vụ cho vấn đề quản lý, an ninh, trật tự, giao thông, học tập, nghiên cứu…đã là một nhu cầu cần thiết. Thời đại 4.0, mọi quốc gia, nhất là các nước phát triển, chiếc camera đều không còn xa lạ. Với nước ta, cùng với sự phát triển, hoà nhập, việc lắp camerra theo dõi, ghi hình…cũng đã trở nên phổ biến. Ngành ngành, nhà nhà có điều kiện, các cửa hàng, cửa hiệu đều đã quan tâm, nghĩ đến và tiến hành lắp camera.
Tác dụng của camera gắn với nhu cầu sử dụng thì ai cũng biết. Việc ghi lại hoạt động của các đối tượng, sự kiện liên quan đã giúp rất nhiều cho việc quản lý xã hội. Các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác…nhờ có các camera an ninh đường phố và camera nhà dân đã nhanh chóng xử lý các vụ việc an ninh trật tự, giao thông, truy bắt tội phạm. Nhiều vụ việc vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ cũng nhờ camera mà được phát hiện, giải quyết thoả đáng, đúng pháp luật. Cũng nhờ có camera mà thức tỉnh, gián tiếp răn đe tội phạm, nhắc nhở mọi cá nhân thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Nhà nước, các cơ quan bớt đi được lực lượng bảo vệ, tuần tra, giám sát. Người dân cũng cảm thấy yên tâm hơn về vấn đề an toàn, an ninh. Camera giúp cho việc thực hiện dân chủ, tuân theo pháp luật. Nhiều năm trước, các luật sư, người dân, đại biểu Quốc hội đã phải từng lên tiếng yêu cầu lắp camera ở các phòng hỏi cung để phòng, tránh việc nhục hình, bức cung.
Vậy nhưng, xung quanh việc lắp camera và thực tế đã cho thấy phát sinh không ít bất cập, như vấn đề chồng chéo, gây lãng phí, hay việc ảnh hưởng đến bảo hộ quyền riêng tư cá nhân, lộ bí mật quốc gia. Việc khai thác camera cũng là một vấn đề cần bàn.
Lại nói về “phong trào” lắp camera, nhiều tỉnh đã như đua nhau, đặc biệt lại dùng cả ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân để phục vụ cho cá nhân. Ngày 23/4/2019, tỉnh Sóc Trăng đã có hẳn một quyết định cấp kinh phí “lắp đặt camera an ninh” tại nhà riêng của 16 cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, với số tiền 982 triệu đồng. Báo chí, dư luận, rồi cả các đại biểu Quốc hội cũng đã phải lên tiếng, không đồng tình với việc này. Ngày 30/9, Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã phải ra quyết định thu hồi quyết định cũ, thu hồi 882.865.000 đồng là số tiền đã lắp đặt camera cho 12 cán bộ.
Tiền ngân sách vốn là tiền thuế, đóng góp của người dân cả nước nói chung. Việc dùng tiền ngân sách để sử dụng lắp camera cho cá nhân lãnh đạo địa phương quả là rất không ổn. Đến ngay như việc sử dụng vào mục đích công cộng ở một vài địa phương cũng đang gây nhiều ý kiến không đồng tình. Cũng tại Sóc Trăng, tỉnh này đã ban hành quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 164 tỉ đồng. Tiếp đó Vĩnh Long cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long” quyết định trích ngân sách lắp 114 camera ở 79 vị trí với số tiền hơn 199 tỷ đồng.
Nói như đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu): “Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp nhưng lại có rất nhiều thứ phải ưu tiên, chúng ta phải liệu cơm, gắp mắm. Tiền ít thì chi phải có ưu tiên mới phát triển được, xác định không đúng thì không có hiệu quả”. Ông Hạ cũng phân tích ngân sách là tiền thuế của dân, “năm nào ta cũng bội chi ngân sách 200-300 nghìn tỉ đồng, mà chi tiêu không đúng mục tiêu, mục đích, không thắt lưng buộc bụng thì rất nguy hiểm”.
Dư luận người dân rất đồng tình với ý kiến đại biểu Tạ Văn Hạ cũng như đồng ý với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), là nên dùng tiền từ nguồn xã hội hoá, vận động các nhà hảo tâm, hay doanh nghiệp. Bài học từ Đồng Tháp như TP Sa Đéc, Cao Lãnh đều dùng từ tiền xã hội hoá. Đến như huyện Tân Hồng, nghèo nhất tỉnh Đồng Tháp lắp camerra cũng không dùng tiền ngân sách. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay nhiều thành phố khác cũng đã tích cực vận động xã hội hoá. Nhiều đơn vị, trường học cũng đã thực hiện tốt vấn đề này.
Và cho dù có phương tiện như camera làm mắt thần hỗ trợ thì quan trọng nhất vẫn là con người. Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cũng cần có các quy định cụ thể, từ chủ trương, đến việc sử dụng…để việc lắp camera đảm bảo phát huy hết hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển xã hội.