Tại cuộc hội thảo “Các rào cản đối với kinh doanh đầu vào trung gian nông nghiệp” của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 12/1, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp là giảm được giá đầu vào để sản phẩm nông nghiệp tăng sức cạnh tranh. Song việc giảm giá cũng phải đảm bảo sản phẩm đầu vào đạt chất lượng.
Trọn năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32,1 tỷ USD. Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015. Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản tăng cả về số lượng và giá trị. Trong đó, mặt hàng cà phê, hạt điều, hạt tiêu là những điểm sáng của xuất khẩu nông sản trong năm 2016.
Nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp, điều đáng chú ý của năm 2016 có một cuộc đổi ngôi ngoạn mục. Đó là sự thay đổi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo và mặt hàng rau quả. Trong năm 2016 mặt hàng rau quả cũng có sự phát triển và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vượt trội với kỳ tích 2,4 tỷ USD trong khi xuất khẩu gạo chỉ được 1,9 tỷ USD.
Trước đó năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,9 tỷ USD, thấp hơn lúa gạo 2,4 tỷ USD. Sự đổi ngôi ngày cho thấy trong xuất khẩu nông sản, ngoài các mặt hàng quen thuộc như gạo, điều, hồ tiêu, hay cafe thì vẫn còn khá nhiều mặt hàng khác, nếu khai thác tốt sẽ là lợi thế cũng như tiềm năng.
Tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận rằng nông nghiệp nước ta vẫn là một nền nông nghiệp dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính, sản xuất còn manh mún với tổng số 13,8 triệu hộ và 78 triệu miếng ruộng. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới đặt ra cấp bách. Nếu như thực hiện được nhiệm vụ này thì trụ đỡ cho nền kinh tế còn có thêm nhiều sức bật để phát triển hơn. Kỳ tích của ngành không chỉ dừng lại ở 32 tỷ USD mà có thể vươn xa nữa.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phải liên kết, phải có cơ chế để phát huy tối đa sức mạnh, lôi kéo doanh nghiệp, nông dân vào cuộc để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh nông nghiệp.
Theo dự báo kinh tế trong nước sẽ tăng trưởng hơn trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán (làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2016) giảm dần đi. Đặc biệt Việt Nam là một đất nước mở cửa với những hiệp định thương mại đã và đang ký với các đối tác. Việt Nam đã là thành viên của Khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) do vậy các con đường để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu rộng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm. Thứ nhất, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD Mỹ trở lên. Thứ hai, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố. Thứ ba, nhóm sản phẩm vùng, miền là những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Hiện nay, trên thực tế nhiều nhóm hàng nông sản Việt Nam có dư địa để tăng tốc. Chẳng hạn đối với ngành hàng thủy-hải sản, dù vẫn có khó khăn ở một số thị trường lớn nhưng nếu khắc phục được các tiêu chuẩn kỹ thuật như dư lượng thuốc kháng sinh, khắc phục được các hàng rào về phòng vệ thương mại thì tiếp tục tăng trưởng tốt do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn tiếp tục tăng cao.