Hà Nội là “vùng đất trăm nghề”, với nhiều làng nghề truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế từ làng nghề, còn rất nhiều việc phải làm.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NNPTNT), thành phố có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động. Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Thời gian qua, Hà Nội đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ làng nghề, cùng những chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, du lịch. Tuy nhiên, đầu ra của các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ, song làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế. Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Đây cũng là lý do khiến hàng trăm làng nghề và làng có nghề trên địa bàn Hà Nội đang dần bị mai một.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Xuất hiện ngày càng nhiều những làng nghề nghìn tỷ, như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ thôn Sơn Đồng (ước tính doanh thu đạt 2.850 tỷ đồng/năm); làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu (1.600 tỷ đồng doanh thu). Nhờ đó, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông. Dù vậy, một trong những hạn chế lớn nhất của làng nghề truyền thống của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là chưa cải tiến mạnh về mẫu mã, thiết kế; có nơi chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường, số lượng, nguồn gốc, thương hiệu sản phẩm.
Xuất phát từ thực tế trên, Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn với mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn phát triển, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Theo đó, kế hoạch tập trung triển khai 3 mục tiêu gồm: xây dựng “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; ban hành quy định một số nội dung, mức hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP Hà Nội quy định tại Nghị định số 52 ngày 12/4/2018 của Chính phủ; xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội năm 2024 cho 15 làng nghề.
Việc ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được xem là cú hích nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn phát triển. Tuy nhiên, để phát triển làng nghề gắn với kinh tế nông thôn tuần hoàn cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành. Cùng với đó là ưu tiên dành nguồn lực để các làng nghề phát triển gắn với lưu giữ giá trị truyền thống.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguồn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất của nhiều làng nghề. Tuy nhiên, Hà Nội khó có thể bảo đảm nguồn cung tại chỗ. Do đó, thành phố cần tăng cường liên kết với các tỉnh, thành để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất ổn định cho các làng nghề…
Được biết, ngay trong tháng 5, chính quyền TP Hà Nội sẽ gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở ngành nghề nông thôn, các nghệ nhân, đại diện các hội, hiệp hội làng nghề trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nhằm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế. Qua đó tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hợp tác xã, các cơ sở ngành nghề nông thôn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, để có những đề xuất về cơ chế chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống.