Ngày 16/9, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh, xã hội góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tạo điều kiện tốt hơn cho tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp, huy động nguồn lực của các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam) những năm qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp và nguồn lực, thế mạnh của các tôn giáo. Trong đó phải kể đến việc các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội hóa y tế, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, với nhiều mô hình, cách làm thiết thực, ý nghĩa.
Để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa nguồn lực của các tôn giáo trong tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; Hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động, các mô hình về phát huy nguồn lực tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện chức trách của mình nhằm phát huy các nguồn lực tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nêu quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, thành viên Hội đồng tư vấn Tôn giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam) nhận định, trong thực tế có hai lĩnh vực mà tôn giáo có nguồn lực, tiềm lực rất lớn là y tế và giáo dục. Tuy nhiên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội hiện nay vẫn còn khá dè dặt, e ngại.
Để phát huy nguồn lực của các tôn giáo, ông Nguyễn Thanh Xuân đề xuất, phải thế chế hóa pháp luật và có cơ chế hướng dẫn để các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng là y tế và giáo dục. Như trong điều chỉnh Luật giáo dục và Luật Khám chữa bệnh phải cụ thể hóa với các thông tư hướng dẫn, văn bản liên ngành mới định lượng được các tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục đến đâu.
“Nếu không cụ thể hóa chính sách pháp luật thì việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội chỉ là khẩu hiệu”, PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân nói.
Đặt vấn đề cần đổi mới về cơ chế để tạo điều kiện tốt hơn cho tôn giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội, TS. Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, cần bình thường hóa việc tôn giáo tham gia vào các lĩnh vực dân sự: làm kinh tế, giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh do tôn giáo thành lập có thể tham gia các lĩnh vực này, bình đẳng với các loại hình tổ chức, doanh nghiệp dân sự khác.
Hoàng Văn Chung cũng đề xuất cần xây dựng cơ chế thông thoáng cho việc thành lập các tổ chức phi chính phủ dựa trên niềm tin tôn giáo để thu hút các nguồn lực và làm từ thiện.
Ở một góc nhìn khác, ThS. Hoàng Bá Hai, Phó vụ trưởng Vụ Tôn giáo Ban Dân vận Trung ương nhận định, sau hơn 3 năm thực hiện, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội trở nên khó khăn, thậm chí có lúc, có nơi là không thể.
Để khắc phục bất cập, ông Hoàng Bá Hai đề nghị Luật tín ngưỡng, tôn giáo cần được bổ sung theo hướng cụ thể, rõ các lĩnh vực mà tôn giáo được tham gia; đảm bảo đồng bộ với các luật chuyên ngành như Luật Dạy nghề, Luật Khám chữa bệnh, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật Xây dựng..
Ông Hoàng Bá Hai cũng đề xuất phải nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đặc biệt, MTTQ cần chủ động phối hợp cùng hệ thống chính trị trong quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tôn giáo trong hoạt động an sinh xã hội, hướng các hoạt động này theo chiều hướng tích cực, tiến bộ, đi đúng mục đích, có hiệu quả cao và tuân thủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, đem lại lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Tháo gỡ những rào cản, bất cập
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, với truyền thống tốt đẹp, sống "Tốt đời đẹp đạo", gắn bó đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là các hoạt động xã hội hóa giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, phòng chống đại dịch Covid-19.
Việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội đã góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chăm lo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực do chủ trương phát huy nguồn lực các tôn giáo của Đảng ta mới ban hành nên việc nhận thức và vận dụng vào thực tiễn còn bất cập. Việc thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật cụ thể còn chậm nên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội còn có bất cập, vướng mắc, hạn chế.
Để triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng cần làm rõ những ưu điểm, hạn chế của việc phát huy nguồn lực của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay nhất là những rào cản trong việc thể chế hóa chính sách pháp luật, trong nhận thức.
Qua việc nhận diện những vướng mắc, hạn chế này sẽ đưa các giải pháp nhằm phát huy vai trò hỗ trợ của Nhà nước, vai trò MTTQ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động để các tôn giáo được tham gia hoạt động an sinh xã hội một cách phù hợp nhất theo quy định của pháp luật, theo khả năng từ đó phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp, nguồn lực tôn giáo đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.