Ước tính hiện có hàng chục ngàn doanh nhân người Việt đang có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thống kê đến nay có khoảng trên 2 nghìn dự án đầu tư về nước, với số vốn gần 100 tỷ USD và tổng các nguồn kiều hối chuyển về những năm gần đây đều đạt hơn 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, kiều bào ta ở nước ngoài còn có một lực lượng lao động trẻ hùng hậu, tay nghề cao.
Vị thế của doanh nhân người Việt ở nước ngoài
Theo ông Đặng Trần Phong - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học công nghệ (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, hầu hết doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã vượt qua những khó khăn, trụ vững tại thị trường nước sở tại, trong khi một số doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn đang có xu hướng chuyển mạnh về kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài không chỉ tự vận động, tranh thủ cơ hội mà đã liên kết với nhau hình thành nên những mạng lưới trải khắp các khu vực, các quốc gia. Tại hầu hết các địa bàn đã có Hội DN Việt Nam, đặc biệt Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã ra đời, với bước đầu hơn 200 hội viên là DN Việt Nam đang làm ăn thành đạt ở trên 30 nước trên thế giới. Đây được xem như mái nhà chung của cộng đồng DN Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ và nâng cao vị thế của doanh nhân Việt Nam. Nhiều trung tâm thương mại, chi hội DN Việt Nam ở nước ngoài đã và đang được xây dựng, thành lập và triển khai hoạt động nhằm phát huy sức mạnh của mạng lưới doanh nhân, DN người Việt Nam trên khắp thế giới, tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước, hỗ trợ DN trong nước về chiến lược hội nhập và phát triển, góp phần đưa nền kinh tế đất nước thâm nhập thị trường toàn cầu.
Ở trong nước, đã có hơn 50 trong tổng số 63 tỉnh/thành có các dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 2.000 DN, mang về nguồn kiều hối nhiều tỷ USD mỗi năm.
Về kinh tế, ước tính tổng thu nhập của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể lên tới trên 45 tỷ USD/năm. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng kiều hối chuyển về hàng đầu ở châu Á. Do vậy, nguồn tài chính do kiều bào chuyển về chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Kiều hối không chỉ giúp cải thiện mức sống của người dân mà còn tác động tích cực tới phát triển kinh tế nói chung.
Nâng cao vai trò của trí thức trẻ kiều bào
Trong số gần 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, có khoảng 10% là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức, có trình độ chuyên môn cao. Họ có mặt ở khắp nơi trên thế giới và làm việc ở hầu hết các ngành nghề quan trọng mà quốc tế có, chúng ta lại cần.
Trí thức người Việt tập trung chủ yếu tại các nước có nền kinh tế và khoa học kỹ thuật phát triển, phần lớn họ có trình độ từ đại học trở lên và các chuyên gia có kỹ thuật tay nghề cao. Họ góp mặt ở hầu hết các ngành và lĩnh vực khoa học kỹ thuật, từ điện tử, sinh học, vật liệu, năng lượng mới, tin học cho đến hàng không, vũ trụ, hải dương đều có mặt chuyên gia người Việt. Đặc biệt, thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài nhiều người đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được các cơ quan truyền thông nước ngoài ca ngợi. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên từ trong nước ra nước ngoài học tập những năm gần đây ngày càng nhiều. Một bộ phận ở lại tu nghiệp, tìm việc và bổ sung vào lực lượng chuyên gia, trí thức kiều bào.
TS Lương Bạch Vân - Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đánh giá, phần lớn các chuyên gia, trí thức kiều bào về nước là thế hệ thứ nhất. Họ chỉ có thể đóng góp ở một số lĩnh vực nhất định như đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, huấn luyện...Trong khi thế hệ thứ hai và thứ ba chiếm số lượng rất lớn nhưng trở về đóng góp chưa nhiều. Nếu chúng ta có chính sách hợp lý, tạo điều kiện tốt để họ trở về thì chắc chắn, đội ngũ này thực sự là lực lượng nòng cốt, góp tay vào xây dựng đất nước.
“Thế hệ này thực sự là mỏ vàng cần khai thác, và nên có chính sách khuyến khích” - TS Vân khẳng định.
Hàng năm có trên 200 lượt trí thức gốc Việt từ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Anh, Úc, Canada… được mời hoặc tự nguyện về làm việc tại Việt Nam ở các lĩnh vực khác nhau; trong đó có một số người đã được mời làm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Một số lĩnh vực đang nghiên cứu hợp tác có hiệu quả như tin học và ứng dụng tin học, điện tử, viễn thông, y học, vật liệu composit, giáo dục - đào tạo, tài chính - kế toán, ngân hàng, xây dựng, công nghệ in, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây, nuôi trồng thủy sản, xử lý chất thải công nghiệp...