Trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, đất nước Việt Nam hết sức tươi đẹp, có nền văn hoá lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển. 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên dải đất hình chữ S đã đồng lòng tạo nên lịch sử dựng nước, giữ nước qua hàng nghìn năm và có sự gắn kết cộng đồng, đồng hành rất chặt chẽ. Trong đó, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hoá riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển của văn hoá nước nhà; làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn của nền văn hoá Việt Nam; góp phần định vị bản sắc văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, văn hoá là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người, tạo nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc. Văn hoá giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Một xã hội văn minh là một xã hội xây dựng được nền tảng văn hoá tinh thần xã hội tiên tiến, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
Theo GS Từ Thị Loan - Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, giàu bản sắc. Đó chính là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để thế hệ hôm nay có thể kế thừa, khai thác và phát huy.
Tuy nhiên, cũng theo bà Loan, việc phát triển các nguồn lực văn hoá còn tồn tại không ít hạn chế. Khâu hoạch định, xây dựng và ban hành chính sách còn bất cập. Hiệu quả thực thi chính sách chưa cao. Một số chính sách thiếu tính cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn. Việc đánh giá, tổng kết, điều chỉnh chính sách còn chậm.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng cho rằng nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều tiềm năng để khai thác, phát huy. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế, xã hội thông qua nguồn lực văn hóa các dân tộc cần phải thay đổi nhận thức, thiết lập chiến lược, chính sách cũng như tổ chức áp dụng các chiến lược, chính sách ấy trong thực tiễn cho mục đích phát triển bền vững đất nước.