Chất lượng, hiệu quả lập pháp là vấn đề quan tâm rất lớn của các quốc gia. Sáng kiến lập pháp là bước đầu tiên trong quy trình lập pháp có vai trò quan trọng, quyết định “số phận” của một dự luật, cũng như hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội. Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa ông, chúng ta luôn đề cao sáng kiến lập pháp ở các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng thực tế ít ĐBQH có sáng kiến đề xuất, xây dựng luật?
Ông Lê Việt Trường: Quy trình làm một dự án đòi hỏi một khối lượng công việc khá lớn, một cá nhân khó có thể làm được. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đã có sáng kiến đề xuất xây dựng dự án Luật Hành chính công và là trưởng ban soạn thảo. Điều này được xem là rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo. Tôi đánh giá rất cao tinh thần đó của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh khi cố gắng nỗ lực rất lớn, tiền nhà nước hỗ trợ cho làm luật không đáng bao nhiêu mà bản thân cá nhân ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã bỏ thêm tiền của cá nhân để xây dựng luật. Nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được trình.
Thực ra ở nước ta làm luật vẫn dựa vào khối quản lý hành chính nhà nước. Trong quá trình điều hành thấy vấn đề A, vấn đề B có vướng mắc thì đề xuất xây dựng luật, và việc “bảo vệ” quan điểm của luật đó trước Quốc hội có sự thuận lợi hơn.
Mới đây ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng phát huy sáng kiến lập pháp của mình khi đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới. Ông nghĩ sao về việc này?
- Đây là một sự dũng cảm đáng khen ngợi. Trước đây cá nhân tôi thấy khâm phục ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. Và những ngày qua là ĐBQH Nguyễn Anh Trí khi ông đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới. Theo quy định, khi ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất, sáng kiến xây dựng luật, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm giao cho Viện Nghiên cứu lập pháp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tài chính theo quy định.
Chúng ta kêu gọi ĐBQH có sáng kiến lập pháp nhưng phải chăng đang thiếu những cơ chế để họ hiện thực hóa sáng kiến của mình, thưa ông?
- Đúng là rất khó. Bởi trong quá trình xây dựng luật phải tiến hành hội thảo khoa học để lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý để đóng góp cho dự án luật. Sau đó phải làm báo cáo đánh giá tác động. Riêng để viết báo cáo đánh giá tác động cần phải có cả một đội ngũ. Còn người đề xuất luật chỉ nắm nguyên tắc cơ bản về thiết kế điều luật, các quy định, giả định. Còn chế tài phải đi vào cụ thể, đòi hỏi phải có tính chuyên môn cao.
Hiện Đảng đoàn Quốc hội đang tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Theo ông làm sao để kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật?
- Muốn chống lợi ích nhóm trong làm luật cũng rất khó. Ví dụ một bộ làm luật trong vấn đề đang được Chính phủ giao quản lý nhà nước thì bao giờ họ cũng phải tạo thuận lợi cho họ, đẩy cái không thuận lợi cho người khác, hay đưa ra một cái gì đó để phải qua các thủ tục A, B, C. Nếu “giấy phép con” lộ liễu quá thì đưa xuống thành “giấy phép cháu”.
Cho nên để ngăn chặn lợi ích nhóm trong làm luật phải từ chính các ĐBQH. Đặc biệt cần những ĐBQH chuyên nghiệp. Hiện nay chúng ta mới có ĐBQH hoạt động chuyên trách. Từ chuyên trách tới chuyên nghiệp vẫn còn một khoảng cách.
Trân trọng cảm ơn ông!