Công tác điều dưỡng là hoạt động quan trọng trong bệnh viện, là sự kết hợp giữa điều trị với chăm sóc và nuôi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Đặc biệt, trong dịch Covid-19, các điều dưỡng tại tuyến xã, phường đã làm việc ngày đêm, không có ngày nghỉ, thực hiện công tác truy vết, tiêm chủng, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, người điều dưỡng phải sử dụng kiến thức, kỹ năng ứng xử để gần gũi, an ủi, động viên giúp đỡ bệnh nhân trong việc duy trì sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, xoa dịu đi nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần để có thể chiến thắng bệnh tật. Nhiều tài liệu trong và ngoài nước đã khẳng định: Điều dưỡng là một khoa học, một nghệ thuật về chăm sóc người bệnh.
Khảo sát mới nhất của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với 70 công đoàn cơ sở trực thuộc, trong thời gian chống dịch Covid-19, số giờ làm việc gia tăng (trung bình 3,65 giờ/ngày) đối với các đơn vị trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt tại các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh.
ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ, đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn và thuyết phục hơn về sự đóng góp của điều dưỡng, với vai trò là những chiến sĩ tuyến đầu. Họ đã vượt lên những nguy cơ của dịch bệnh, phối hợp với các thầy thuốc, thực hiện hàng loạt các hoạt động y tế như: Sàng lọc, tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi, chăm sóc và là chỗ dựa về tinh thần cho người bệnh Covid-19.
Điều dưỡng ngày nay đã phát triển rất nhiều với đủ các trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Chức năng, nhiệm vụ của điều dưỡng không chỉ thực hiện y lệnh như trước đây, mà còn tham gia quản lý, nghiên cứu, nhận định và đưa ra các quyết định chăm sóc người bệnh. Đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid-19, vai trò của điều dưỡng là hết sức quan trọng, song hành cùng các cán bộ y tế để chăm sóc cho người bệnh, góp sức vào sự thành công trong chống dịch của đất nước.
Tuy nhiên hiện nay số lượng điều dưỡng - hộ sinh tại Việt Nam còn thiếu hụt trầm trọng, với số lượng điều dưỡng ít như hiện nay, chúng ta khó có thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện. Điều dưỡng - hộ sinh ở các khoa trọng điểm như hồi sức cấp cứu, cấp cứu, sơ sinh phải trực ca - kíp kéo dài 24/24h và tình trạng ca chồng ca còn khá phổ biến tại nhiều bệnh viện.
Số liệu thống kê từ Hội Điều dưỡng Việt Nam cho thấy, trong số trên 180.000 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y của cả nước, điều dưỡng chiếm tỷ lệ 73%, hộ sinh chiếm trên 13%, còn lại trên 13% là kỹ thuật y. Tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân là gần 14. Tỷ lệ hộ sinh/vạn dân là 2,6.
Điều dưỡng tập trung ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; hộ sinh chủ yếu ở tuyến huyện và xã; kỹ thuật y tập trung ở tuyến tỉnh và huyện. Gần 90% đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y tập trung ở khu vực công lập; Hiện tỷ số điều dưỡng và hộ sinh trên/ bác sĩ trên toàn quốc là 1,95/1.
ThS Phạm Đức Mục cũng cho biết, hiện trình độ sơ cấp trong điều dưỡng chỉ còn dưới 700 người, còn lại đa số điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y có trình độ từ cao đẳng trở lên; tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa 1 chỉ chiếm 1,2% và chủ yếu ở tuyến Trung ương.
Thực tế, ngay trong giai đoạn chưa xảy ra dịch Covid-19, môi trường làm việc của các cán bộ y tế nói chung và của điều dưỡng, hộ sinh nói riêng luôn tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe. Bên cạnh đó, các chính sách đãi ngộ hiện hành cho cán bộ y tế chưa tương xứng với đặc thù nghề y như phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp công vụ, chức vụ, phụ cấp thu hút ở địa phương, phụ cấp cho các đơn vị bảo vệ cán bộ cao cấp…
TS Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đang kêu gọi các nước thành viên tăng cường đầu tư vào đào tạo điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt cho điều dưỡng và hộ sinh; tăng cường đầu tư để đẩy mạnh vai trò lãnh đạo cho điều dưỡng và hộ sinh.
Với gần 28 triệu điều dưỡng, hộ sinh toàn cầu nói chung và gần 140.000 điều dưỡng, hộ sinh của Việt Nam, điều dưỡng, hộ sinh chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất. Vì vậy, sẽ không có một Chương trình y tế quốc gia hiệu quả nếu không phát huy tối đa tiềm năng của điều dưỡng, hộ sinh.