Phát huy vai trò của Mặt trận trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Vũ Mạnh 08/08/2023 17:50

Chiều ngày 8/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học thực trạng và một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài.

Quang cảnh Hội thảo.

Nâng cao hiệu lực và hiệu quả của giám sát xã hội

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và pháp lý về nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đặc biệt nội dung mới “dân thụ hưởng”. Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả phương châm sao cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo.

Bàn về khái niệm dân thụ hưởng, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng đây là một yếu tố mới trong tổng thể các phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Việc bổ sung thêm yếu tố này nhằm tạo thành một phương châm hành động đầy đủ, toàn diện hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh của nhân dân trong điều kiện mới.

“Dân càng biết, càng được bàn bạc thì dân cống hiến càng nhiều, càng tăng cường nhận thức, kiểm tra, giám sát, thụ hưởng càng cao”, ông Đường đặt vấn đề.

Để phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện yếu tố “dân thụ hưởng”, theo ông Đường với tư cách là một liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, MTTQ Việt Nam là người đại diện bảo vệ quyền được thụ hưởng một cách chính đáng và hợp pháp của nhân dân bằng việc tham gia có trách nhiệm với Đảng và Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật, thể chế hoá đúng đắn và kịp thời quyền thụ hưởng của nhân dân bằng chức năng cơ bản là phản biện xã hội.

“Cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của giám sát xã hội của MTTQ các cấp kịp thời kiến nghị với Đảng và các cơ quan nhà nước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức và thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền thụ hưởng hợp pháp chính đáng của nhân dân” ông Đường đề xuất.

Ông Đỗ Duy Thường, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Nêu giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, trước tiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hiện dân chủ; những quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; về quyền làm chủ của nhân dân, nhất là những quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; tổ chức để nhân dân sử dụng đúng quyền và nghĩa vụ của mình đã quy định trong pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

“Trong chương trình kế hoạch giám sát hàng năm của hệ thống Mặt trận cần có nội dung giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để có giải pháp khắc phục, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả, kết quả công tác Mặt trận tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở”, ông Đỗ Duy Thường nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cũng cho rằng để thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, MTTQ các cấp cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về Luật dân chủ ở cơ sở. Cùng với đó Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp triển khai những việc cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình theo những nội dung đã nêu trong Luật dân chủ ở cơ sở.

Ông Nguyễn Túc cũng đề xuất việc củng cố kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, củng cố Ban Thanh tra nhân dân để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát đối với những việc được quy định trong Luật dân chủ ở cơ sở.

“Trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động hàng năm của Ủy ban MTTQ các cấp phải cụ thể hóa những việc chính quyền có trách nhiệm phải thông tin kịp thời và công khai để dân biết; những việc phải đưa ra để dân bàn và quyết định; những việc phải lấy ý kiến của dân trước khi chính quyền quyết định; những việc dân có quyền kiểm tra, giám sát” ông Túc đề xuất và cho rằng những nội dung trên phải được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn lồng ghép vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phát huy vai trò “nòng cốt” của MTTQ Việt Nam

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, tham luận tại Hội thảo một lần nữa khẳng định rõ khái niệm “dân thụ hưởng”, trong đó, chủ thể thụ hưởng là nhân dân và cũng là chủ thể làm ra của cải vật chất và phi vật chất cho xã hội, cho đất nước và cho bản thân mình; Nhân dân thụ hưởng theo quy định của pháp luật do nhà nước ban hành trong các thời kỳ để thể chế hoá các thành quả vật chất và phi vật chất thành các quy định pháp luật để nhân dân thụ hưởng một cách công bằng, công khai, minh bạch.

Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, tham luận tại Hội thảo đã làm rõ vai trò “nòng cốt” của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân trong phát huy thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam cùng nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Tổ chức việc tiếp dân, tiếp nhận, tổng hợp khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân để chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân…

Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ "Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Việc bổ sung thêm nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng”, là một điểm mới thể hiện nền dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bởi vậy cần có nghiên cứu thấu đáo từ thực trạng thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, những quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, trên cơ sở đó đề ra được các giải pháp phù hợp thực hiện tốt hơn phương châm này.

“Việc nghiên cứu đưa ra các giải pháp để MTTQ Việt Nam thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.” Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy vai trò của Mặt trận trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”