Người cán bộ, đảng viên phải luôn xác định “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định như vậy với phóng viên Đại Đoàn Kết đồng thời cho biết đến giờ, ông tự hào đã giữ trọn một cuộc đời thanh liêm...
Cán bộ là phải sâu sát với dân
Vén sợi tóc bạc lòa xòa trên trán, gương mặt ông Đỗ Văn Ân (86 tuổi) như giãn ra khi đón chén trà từ tay vợ – người cả đời lặng lẽ đi bên cạnh, tảo tần chăm lo quán xuyến việc nhà để ông yên tâm công tác, hết lòng vì việc dân, việc nước.
“Ngày còn là lãnh đạo tỉnh Sơn La, ông ý đi suốt, hết về Long Hẹ, Co Mạ rồi đi Sốp Cộp, Sông Mã, cả Chiềng Tương…Có những nơi phải lội bộ cả ngày đường, ở nhà tôi cũng sốt ruột lắm mà cũng chỉ biết chờ đợi, thế nhưng giờ ở tuổi này đã chịu ở nhà để tôi chăm sóc rồi” – bà Lục Thị Minh Tịch trìu mến nhìn ông, rồi nhẹ nhàng sửa lại nếp áo cho chồng.
Bà Tịch kể, khi là Bí thư Tỉnh ủy Sơn La ông sống mộc mạc, giản dị, nhưng trong công việc lại rất nghiêm khắc, đặc biệt là nghiêm khắc với cái xấu, tiêu cực. Ông luôn đặt lịch cho mình, làm gì, bận gì thì cũng phải dành thời gian xuống với dân. Với ông, cán bộ xuống với dân thì mới sâu sát được đời sống của bà con, những chính sách lo cho dân mới sát thực, đúng và trúng.
Trong căn phòng khách rộng chừng 30m2, mọi thứ bày biện khá đơn giản, ấn tượng hơn cả là những cuốn sách được ông sắp xếp gọn gàng. Với tay lấy một cuốn, ông run run lật giở cuốn hồi ức có tựa đề: “Tiếng búa, tiếng choòng và bài ca xứ Chẹ”; rồi đọc lại cho tôi nghe bài thơ “Tình đồng đội” do ông sáng tác. Những câu thơ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần hào hùng, bởi thơ cũng chính là cuộc đời ông, “Ngày đi hăm hở tóc xanh/Vui trong lao động, học hành sớm khuya/Quản chi gian khổ hiểm nguy / Bắc Nam thống nhất tiếc gì tuổi xuân...”.
Ông sinh năm 1937, tại một vùng quê chiêm trũng – huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Do nghèo khó nên năm 1940, cả gia đình phiêu bạt lên vùng Tam Dương, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) sinh sống. Lớn lên, đi thanh niên xung phong, rồi trở thành công nhân. Cả quá trình lao động, học tập cũng là cả quá trình ông phấn đấu không ngừng nghỉ để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, để được sống, cống hiến, rèn giũa bản lĩnh, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn.
Ngày được kết nạp Đảng, ông bảo, trọn đêm hôm đó không ngủ bởi tâm trạng vui mừng lẫn lộn, cứ tâm niệm mình sẽ phải sống, làm việc thế nào để xứng đáng là người đảng viên gương mẫu, không phụ lòng tin tưởng của đồng chí, gia đình.
Nghĩ là làm, ở bất cứ công việc gì ông cũng nhiệt tâm, nhiệt huyết và phát huy vai trò nêu gương của đảng viên. Từ anh công nhân, trải qua nhiều cương vị, năm 1985 ông Ân được Trung ương cử lên Sơn La giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Bí thư Tỉnh ủy vào năm 1986.
“Cái buổi cầm quyết định lên Sơn La tôi cũng lo lắng lắm, nhưng hiểu, đã là đảng viên phải chấp hành sự phân công của tổ chức, dù ở đâu, làm gì cũng phải đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết. Nhờ người trông nom mẹ già đã 90 tuổi, tôi khăn gói lên đường…” – ông Ân nhớ lại và kể, cái ngày đầu lên với bà con, việc đầu tiên của ông làm là học tiếng Thái, tiếng Mông. Bởi để hiểu dân thì phải nói tiếng của đồng bào, mà hiểu rồi thì mới tuyên truyền, vận động bà con nghe và làm theo được.
Mỗi lần xuống với dân, thấu hiểu cuộc sống còn nhiều khó khăn của bà con, nên ông đều trích một phần tiền lương của mình để mua khi thì muối, lúc can dầu thắp sáng tặng bà con. Có nhà, ông tặng cây giống và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc.
Hình ảnh ông Bí thư tỉnh ủy dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, về với dân trên lưng lúc nào cũng cõng theo chiếc gùi lỉnh kỉnh muối, dầu hỏa, lương thực trở nên thân thuộc vô cùng. Mỗi lần xuống thăm bà con ông không bao giờ báo trước nơi đến cho lãnh đạo huyện. Ông bảo sợ anh em chuẩn bị đón rước, ăn uống gây lãng phí và hình thức lại không thể gần gũi và nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đồng bào.
Cảm nhận được sự gần gũi, hết lòng vì dân của ông Bí thư tỉnh ủy, nên mỗi lần ông về thăm họ, vận động tuyên truyền, bà con đều im lặng lắng nghe. Lúc ông nói bằng tiếng Thái, khi nói bằng tiếng Mông, nêu rõ tác hại của thuốc phiện, của cây anh túc và lợi ích khi trồng cây lúa nước, cây mận, mơ.
Ông kể, cũng có lần ông cùng đoàn công tác đi bộ từ trưa đến gần 2 giờ sáng thì bị lạc đường ở biên giới xã Chiềng Tương, thấy vậy người dân nghi ngờ là phỉ rồi dẫn thẳng vào đồn biên phòng gần đó. “Cũng may khi vào đến nơi, bộ đội biên phòng nhận ra tôi chứ không thì không biết mọi chuyện thế nào ”- ông Ân cười nói.
Đại tá Phạm Trường Dân - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam:
Trách nhiệm nêu gương phải ngày càng cao hơn
Tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đảng viên là phải làm gương trong mọi hành động, việc làm và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nêu gương là vấn đề hết sức quan trọng đối với đảng viên, nhất là đảng viên có chức có quyền, những đảng viên được giao vị trí quan trọng, đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo.
Thời gian qua, một số đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm đã và đang được nhận diện, xử lý nghiêm, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, cũng như những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thời gian tới, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cần tiếp tục được đặt ra với những yêu cầu ngày càng cao hơn.
Thanh liêm cả cuộc đời
Tháng 9 năm 1996, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, theo quyết định của Trung ương, ông Đỗ Văn Ân về Hà Nội giữ cương vị Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ thêm 7 năm nữa rồi nghỉ hưu. 11 năm ở Sơn La, 11 năm gắn bó, cùng ăn, cùng ở và lo cho đồng bào, trăn trở với từng mô hình phát triển kinh tế của địa phương nên bà con thương quý ông như người thân trong gia đình. Ngày chia tay, mọi người cứ bịn rịn, lưu luyến mãi không rời, làm bước chân của ông Bí thư như bị níu lại...
Về thành phố, nhận nhiệm vụ mới nhưng trong ông vẫn lấp đầy hình ảnh thân thương của đồng bào vùng cao, về những khó khăn của bà con mà ngày còn làm Bí thư ông chưa thể giải quyết hết…Và ông dồn tất cả tình cảm, trách nhiệm đó vào trong công việc mới. Suốt 7 năm gắn bó, làm trưởng ngành Cơ yếu ông đã đưa ngành trở thành một đơn vị vững mạnh.
7 năm cũng có không ít những thuận lợi, khó khăn, khó nhất là phải biết vượt qua chính mình – vượt qua những cám dỗ về quyền chức, vật chất, nhưng ông bảo, mình tự hào vì đã giữ trọn được khí chất của một người đảng viên chân chính.
Với chai mật ong bà Tịch vừa mang ra, ông rót một thìa nhỏ vào cốc trà và bảo tôi, cậu uống đi, mật ong rừng ngon lắm, anh em trên Sơn La vừa gửi xuống tặng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Cấp trên gương mẫu thì cấp dưới sẽ noi theo
Vấn đề nêu gương đã được đề ra từ Hội nghị Trung ương 8, khóa XII. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên. Bác hay nhắc câu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đó vừa là thể hiện trách nhiệm của người đảng viên, nhưng cũng là lời khen chân thành của dân đối với cán bộ đảng viên. Vì trên thực tế rất nhiều cán bộ nêu gương rất tốt, trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, trong công tác lãnh đạo quản lý. Bác gọi lời khen chân thành của nhân dân là thế.
Việc nêu gương của người cán bộ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị có tác động rất lớn, như trong Nghị quyết Trung ương 8 đã nêu, chức vụ càng cao càng phải chú trọng đến việc nêu gương vì sức ảnh hưởng của nó rất lớn. Ví dụ tôi nói bây giờ một đồng chí Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng mà mẫu mực về vai trò lãnh đạo, phong cách, đạo đức, lối sống thì có ảnh hưởng rộng lớn. Cấp trên đã gương mẫu thì cấp dưới cũng phải nhìn vào mà noi theo thôi...
Nhiều năm xa cách nhưng ông vẫn luôn nhận được những lời thăm hỏi của đồng nghiệp, của người dân, cả những món quà quê thấm đượm nghĩa tình núi rừng Sơn La. Mùa nào, thức ấy, khi thì cân chè, lúc lại là túi mận đầu mùa, rồi cam, mật ong…thức quà nào cũng làm ông rưng rưng xúc động. Gần 50 năm theo Đảng, với không chỉ Thanh Oai, Sơn La hay Ban Cơ yếu Chính phủ, tình đồng chí, nghĩa đồng bào lúc nào cũng ấm áp trong ông. Sắp bước sang tuổi 90, lại vừa phải vào viện thực hiện một ca tiểu phẫu, nhưng tinh thần ông vẫn luôn lạc quan và nhanh nhẹn. Ông bảo, là vì mình chịu khó tham gia tập thể dục, rồi sinh hoạt câu lạc bộ thơ của phường, nói chuyện với các chi bộ… Ở đâu, làm gì ông cũng luôn thể hiện phong cách của một người đảng viên, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu, hết lòng vì quần chúng nhân dân.
Thấy tôi thắc mắc về căn nhà mà ông bà dồn sức bao năm để xây dựng, ông bảo, mấy năm trước để lo cho các con, cháu công tác và học tập nên đã bán và mua căn chung cư này, nó nhỏ nhưng ấm áp.
“Tôi là người rất may mắn vì bốn lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần được gặp Bác, nghe Bác nói tôi thấy mình được trưởng thành thêm về nhiều mặt, đồng thời thấy rõ hơn trách nhiệm của người cán bộ đảng viên đối với nhân dân, với đất nước. Và tôi cũng tự hào là đến giờ, mình đã giữ trọn một cuộc đời thanh liêm”- ông Ân nói rồi nở nụ cười hiền.
(Còn nữa)