Nhìn lại hơn 1 tháng đưa cầu Thăng Long vào khai thác trở lại sau sửa chữa, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện hơn 50 xe quá tải vận hành qua cây cầu này với số tiền xử phạt lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN thông tin, chỉ hơn 1 tháng sau khi đưa cầu vào khai thác sử dụng sau sửa chữa, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện hơn 50 xe quá tải trên cầu Thăng Long, xử phạt với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Cũng theo ông Huyện, TP Hà Nội đang khảo sát thiết kế, lắp đặt cân tự động “phạt nguội” xe quá tải qua cầu Thăng Long và đường vành đai III. Cùng đó Hà Nội cũng sẽ đầu tư lắp đặt cân tự động tại 16 điểm cửa ngõ ra vào thành phố.
Liên quan tới những vi phạm của xe quá tải, trong năm 2020 các trạm cân xe lưu động, cố định trên cả nước đã kiểm tra 134.588 xe, trong đó có 14.392 xe vi phạm, tước 5.452 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 162,4 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại trên nhiều tuyến quốc lộ như QL1, QL2, QL3, QL6, QL10, QL14, QL37, QL279, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa.
Đối phó với tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, Tổng cục Đường bộ VN nêu giải pháp: Từ thành công của việc thí điểm kiểm soát xe quá tải bằng hệ thống cân tự động trên QL5, cơ quan này đã lập đề án để nhân rộng kiểm soát xe quá tải bằng hệ thống cần này trên toàn quốc trình Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt. Hiện cơ sở pháp lý để sử dụng hệ thống cân tự động đã được hoàn thiện nên đủ điều kiện để đưa vào kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc. Trong đề án cũng xác định rõ nguồn vốn thực hiện, trong đó hệ thống quốc lộ sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn trung ương và đường địa phương sẽ do tỉnh đầu tư.
“Khi hệ thống cân tự động được hoàn thiện và “phạt nguội” xe quá tải sẽ giúp giảm nhân lực. Quan trọng nhất, hệ thống cân tự động giúp việc xử phạt công khai minh bạch, không có tổ chức hay cá nhân nào có thể can thiệp được vào quá trình xử phạt xe chở quá tải”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN kỳ vọng.
Tuy vậy, dư luận không thể không đặt câu hỏi, dù bị xử lý nhưng vì sao xe quá tải vẫn “nhờn luật”? Cùng với đó, điều mà dư luận quan tâm là hiện số trường hợp xử lý phương tiện vi phạm còn quá khiêm tốn so với số lượng xe vi phạm. Phải chăng là do sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, hoặc thiếu sát sao của lãnh đạo Sở chủ quản tại các địa phương? Bởi những chiếc xe quá tải ngang nhiên hoạt động, vận chuyển hang hoá, vật liệu... đi từ tỉnh này sang tỉnh khác, thậm chí đi từ Nam ra Bắc thì không thể nói là không biết.
Mặt khác, Nhà nước bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, nếu các xe quá tải chạy quá nhiều thì một thời gian ngắn lại hư hỏng, lại phải sửa chữa. Bên cạnh đó, vốn bảo trì đường bộ là con số khổng lồ mỗi năm, theo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2021, vốn bảo trì được thông báo là 9.986 tỷ đồng, trong khi đó xe quá tải tàn phá kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng số tiền nộp phạt chẳng đáng là bao.
Giới chuyên gia giao thông cho rằng, việc xử lý những vi phạm quá tải cần có những biện pháp răn đe với mức phạt đủ nặng để các phương tiện không vi phạm nữa. Nếu chỉ vi phạm lần nào phạt lần đấy, không có liên hệ lần trước lần sau thì sẽ không hiệu quả. Trường hợp cố tình vi phạm lặp lại nhiều lần chúng ta không biết được thì nó không có ý nghĩa. Vì vậy, phải lưu lại được cơ sở dữ liệu để biết được xe đó vi phạm mấy lần để có mức xử phạt phù hợp.
Hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị đã có những biện pháp kiểm tra trọng tải tuy nhiên vẫn không đạt hiệu quả về giám sát thường xuyên. Đặc biệt là những phương tiện chạy vào những giờ thấp điểm và không có lực lượng kiểm tra của ngành, liên ngành. Điều quan trọng nhất trong quản lý tải trọng phương tiện là yếu tố thường xuyên, liên tục. Các lực lượng chức năng cần giám sát được các hành vi vi phạm, đặc biệt là ở các tuyến đường thường xuyên có những xe tải trọng nặng. Cơ quan chức năng không chỉ xử phạt tài xế mà ngay cả những doanh nghiệp vận tải cũng bị tước giấy phép, không cho kinh doanh vận tải hàng hóa nếu vi phạm quá nhiều.