Ngày 30/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế”. Hội thảo được Tổ chức Friedrich Naumann Stiftung Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ.
Toàn cảnh hội thảo.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng và Ban Kinh tế Trung ương và PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các trường đại học, các nhà khoa học và đông đảo các cơ quan báo chí.
Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận những nội dung quan trọng về “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế”, đồng thời lấy ý kiến chuyên gia để tổng hợp làm căn cứ xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để trình Trung ương.
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trên thế giới và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.
Ban tổ chức Hội thảo nhận được nhiều bài tham luận và nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung hội thảo. Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo tập trung bàn về 5 nhóm vấn đề chính sau:
1. Quan điểm, chủ trương của Đảng và cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường ở nước ta.
2. Thực trạng tình hình phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường ở nước ta giai đoạn từ năm 2008 đến nay.
3. Kinh nghiệm Quốc tế và những vấn đề rút ra cho Việt Nam về phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường.
4. Định hướng và các giải pháp chủ yếu để tiếp tục phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường ở nước ta trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.
5. Các vấn đề có liên quan khác đến phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường.
TS Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển cho rằng: Quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam đã trải qua thời gian 30 năm và còn đang tiếp tục, với cách làm cơ bản là theo kiểu “dò đá qua sông”.
Theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Về việc phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ các nhà kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VVCI) cho rằng Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 950.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thế nhưng con số này vẫn còn ít ỏi so với dân số trên 90 triệu dân và so với các nước tiên tiến như Mỹ, Đài Loan, Nhật, Israel…
Hiện nay, số lượng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả không nhiều, chỉ khoảng trên 30%...
Từ số liệu trên cho thấy sự chật vật, khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, không chỉ thành lập được là xong, quá trình xây dựng và phát triển bền vững doanh nghiệp là quá trình đòi hỏi sự nỗ lực của toàn thể doanh nghiệp, bên cạnh đó vai trò của CEO là cực kỳ quan trọng.
Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt một số giải pháp, kiến nghị đã được các đại biểu đề xuất tại hội thảo rất sâu sắc, mang tính đột phá, góp phần giúp các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách có thêm cơ sở để có được những quyết sách đúng đắn; nội dung hội thảo sẽ được chắt lọc, hoàn thiện nội dung Đề án “Phát triển các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế”, kết quả nghiên cứu của đề án sẽ trình các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ra văn bản phù hợp để vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.