Phát triển các tuyến đường sắt phía Nam: Thêm cơ hội liên kết để phát triển

Ngọc Quang 18/08/2022 06:41

Ngày 16/8, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 5241 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành. Đây là tuyến đường sắt được đánh giá là rất quan trọng trong phát triển giao thông, kết nối địa phương, đẩy nhanh tốc độ phát triển trong khu vực.

Hệ thống đường sắt của TPHCM sẽ được nối đến khu vực Đông, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

Theo đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài khoảng 65km. Điểm đầu ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Trong đó đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi; đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. Tổng mức đầu tư khoảng 50.822 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Còn tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài 37,5km. Điểm đầu ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh); điểm cuối là Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quy mô đề xuất thực hiện: đường đôi, chỉ phục vụ hành khách. Tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Như vậy là tới thời điểm này, ý tưởng phát triển đường sắt tại khu vực phía Nam đã rất rõ ràng.

Trước đó, ngày 29/7, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc triển khai 2 tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (viết tắt là Thủ Thiêm - Long Thành).

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành có vốn đầu tư rất lớn, dự kiến cần huy động thêm các nguồn vốn vay từ các tổ chức nước ngoài. Nếu Bộ GTVT là đầu mối giúp Chính phủ tổ chức đầu tư xây dựng đường sắt sẽ thuận lợi trong việc vay vốn. Từ đó, Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT là đơn vị tổ chức đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Thủ Thiêm - Long Thành. Hai tuyến đường sắt này cần được làm sớm để kịp kết nối khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Cũng cần lưu ý, vào thời điểm cuối năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu. Sau đó, Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ GTVT thống nhất với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM và các đơn vị liên quan về phương án đầu tư 2 dự án đường sắt này, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Còn một tuyến đường sắt nữa cũng rất quan trọng tại phía Nam đã được đề xuất, đó là tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó định hướng nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Tiếp đó, UBND TP Cần Thơ đã làm việc với Ban quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT) và đơn vị tư vấn về dự án tuyến đường sắt này.

Theo báo cáo của đơn vị liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Toàn tuyến đi qua và kết nối 6 tỉnh/thành, gồm: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ, với tổng cộng 13 ga. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.

Đây là tuyến đường sắt có ray khổ đôi, dành cho đường sắt tốc độ cao phổ biến trên thế giới, vận hành tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Tốc độ thiết kế cho tuyến TPHCM - Cần Thơ vào khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Như vậy, thời gian đi từ Cần Thơ đến TPHCM và ngược lại sẽ rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút, thay vì mất từ 3 - 4 giờ đi đường bộ như hiện nay.

Tuy dự án còn đang trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi nhưng đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản. Theo lãnh đạo Sở GTVT Càn Thơ, nếu chúng ta tranh thủ được nguồn vốn và có nhà đầu tư thì cần thực hiện dự án này sớm hơn, trong giai đoạn 2025-2030, thay vì sau năm 2030.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, vì sự cần thiết của tuyến đường sắt này trong sự phát triển chung của khu vực, dự án này nên được đầu tư sớm, chậm nhất trước năm 2030 phải triển khai.

Tuy nhiên, tại cuộc họp do Bộ GTVT chủ trì, vào ngày 15/5/2022, với 5 tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua gồm TPHCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long và Bình Dương, các địa phương đều muốn khởi công sớm, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo lực lượng thiết kế làm trong phạm vi từ nay đến năm 2024 xong thiết kế, vào năm 2025 - 2026 sẽ thi công.

Theo dự định, khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ GTVT. Giá vé được đề xuất cho từng chặng: TPHCM - Long An là 120.000 đồng/vé; từ TPHCM đi Tiền Giang 280.000 đồng/vé; TPHCM đi Vĩnh Long 325.000 đồng/vé; TPHCM - Cần Thơ 400.000 đồng/vé.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, dự kiến tháng 9 tới sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có quy mô đầu tư là đường đôi, chiều dài 1.545km, tốc độ. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, chi phí thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác 5,82 tỷ USD và chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD. Cao tốc này này sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển các tuyến đường sắt phía Nam: Thêm cơ hội liên kết để phát triển