Ninh Thuận là tỉnh có nhiều cây dược liệu đặc hữu với trên 1.000 loài thực vật làm thuốc; trong đó có 24 cây dược liệu đặc hữu của địa phương có giá trị kinh tế cao như bình vôi, giằng xay, xáo tam phân, muồng trâu, ké đầu ngựa...
Nhiều cây dược liệu đặc hữu của địa phương có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng khai thác quá mức cộng với khí hậu khô hạn, khắc nghiệt, nhiều loại dược liệu tái sinh kém, có nguy cơ dần cạn kiệt, cần được ưu tiên bảo tồn.
Trước thực trạng trên, năm 2011, được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận triển khai dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận”.
Với tổng kinh phí 50.000 USD, dự án tiến hành khảo sát, phát hiện nhiều loài cây thuốc quý, các bài thuốc truyền thống và cách sử dụng để phòng, chữa bệnh. Đồng thời, chuyển giao trồng 34 loại cây thuốc quý cho 30 hộ có nghề làm thuốc nam ở xã Xuân Hải để lưu trữ nguồn gen và tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc; xây dựng vườn bảo tồn cây thuốc rộng 500 m2 ở thôn An Nhơn trồng 42 cây dược liệu đặc trưng, bản địa đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Đến nay, dự án đã giúp cho nhiều cơ sở, hộ dân trồng cây thuốc và đạt được những kết quả đáng kể, đặc biệt giúp người làm thuốc ý thức được việc bảo tồn cây thuốc chính là nền tảng để bảo tồn nghề thuốc, có trách nhiệm trong việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các hộ bắt đầu đầu tư vốn trồng cây thuốc tại gia đình góp phần nâng cao thu nhập.
Để khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, tỉnh Ninh Thuận huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án "Bảo tồn và phát triển cây thuốc trên địa bàn tỉnh" với tổng kinh phí dự kiến khoảng 120 tỷ đồng.
Theo đó, dự án sẽ nhân rộng các mô hình bảo tồn, phát triển cây thuốc tại các khu vực: Vùng đệm của Vườn quốc gia Núi Chúa; khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình; vùng ven biển Sơn Hải huyện Thuận Nam; vùng Nhơn Hải, huyện Ninh Hải; vùng rừng huyện Bác Ái; vùng rừng các xã Phước Kháng, Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, khu vực huyện Ninh Sơn. Đây là những khu vực có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho phát triển các loại cây dược liệu để chuyển giao trồng, nhân rộng, đảm bảo nguồn cây dược liệu cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hội Đông y tỉnh đang phối hợp các cơ quan khoa học tiến hành khảo sát, điều tra các loài cây thuốc có trong thiên nhiên và các cây thuốc được trồng tại tỉnh để tiến hành xây dựng danh mục các loài cây thuốc, lập cơ sở dữ liệu về danh mục cây thuốc.
Hội chú trọng các cây thuốc của đồng bào các dân tộc sử dụng độc đáo để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, sàng lọc các hoạt chất mới, phục vụ việc bào chế, sản xuất thuốc từ các nguồn dược liệu trên. Đồng thời, Hội kết hợp đánh giá hiện trạng, tình hình sinh trưởng phát triển, khai thác, sử dụng các loài cây thuốc trọng tâm để xây dựng phương án bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây thuốc có triển vọng trên các vùng phân bố chủ yếu của tỉnh.
Hội Đông y tỉnh tích cực nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp điều trị y học tiến bộ, các bài thuốc, cây thuốc quý để phục vụ công tác khám, điều trị, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cùng với đó, Hội phối hợp với Sở Y tế thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức hội nghị thầy thuốc giỏi để chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh, những bài thuốc đặc trị, hướng dẫn nâng cao các kỹ thuật thu hái cây thuốc, bào chế, sao tẩm, bảo quản các loại thuốc, sử dụng các loại dược liệu một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả.