Thời gian qua, các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đây là tín hiệu vui, tuy nhiên, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chưa đủ lớn
Được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành công nghiệp, là “linh hồn" của công nghiệp chế tạo, nhưng thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, "làn sóng" đổ bộ của nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh, nhưng doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn chưa bắt kịp. Điều này cho thấy, DN CNHT chưa đủ lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, một số DN CNHT trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia; tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Hoạt động CNHT ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành dệt may - da giày đạt 45-50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%.
Tuy vậy, Bộ Công thương cũng nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành CNHT, công nghiệp cơ khí... vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp trong quá trình thực thi chính sách.
Một bộ phận DN CNHT chưa quan tâm, chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; nguồn lực hạn chế nên thường không có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách ưu đãi...
Cần những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực
Trên thực tế, những lo ngại về “sức khỏe” của các DN CHT trong nước không phải là vấn đề mới, nhưng đến nay dường như vẫn chưa có nhiều cải thiện. Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của ngành CNHT cần phải nhắc đến chính là nguồn nhân lực.
Điều này cũng được Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh khi cho rằng, Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Đối với ngành CNHT, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, mang giá trị sống còn của DN. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều DN hoạt động trong ngành, nhất là khi chúng ta muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó” –WB đánh giá.
Thực tế hiện nay cho thấy, các DN trong lĩnh vực CNHT tại khu vực Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung luôn mong muốn tuyển dụng được những thợ kỹ thuật và công nhân lành nghề để đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày một lớn mạnh của mình. Song, đầu ra tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực này còn khiêm tốn nên khó có thể đáp ứng được nhu cầu của các DN CNHT.
Đại diện một công ty chuyên sản xuất dụng cụ chính xác cao và chi tiết cơ khí phục vụ cho các DN sản xuất ô tô, xe máy, cho biết, thời gian qua đã liên tục tuyển dụng các vị trí với số lượng khoảng 30 – 40 nhân sự, và đội ngũ nhân lực này cần phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật trong lĩnh vực gia công cắt gọt và tự động hoá, tuy nhiên, việc tuyển dụng của công ty này là khá khó khăn. “Trong quá trình tuyển dụng hàng năm, chỉ có khoảng 30-40% người lao động là đạt yêu cầu ngay, sau đó DN rất mất thời gian đào tạo lại từ chuyên môn đến các khái niệm hoạt động sản xuất. Trong khi đó, lực lượng lao động địa phương lại không đáp ứng đủ. Do vậy chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các cơ sở đào tạo để có được chất lượng đảm bảo, phù hợp với DN” – đại diện công ty này chia sẻ.
Nói về câu chuyện này, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, ngành CNHT nước ta hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực nên bộc lộ khá nhiều tồn tại. Cụ thể, sản phẩm CNHT trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các ngành ô tô, điện tử, da giày, dệt may... chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD...
Mặc dù CNHT của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, song để ngành CNHT tăng cường khả năng linh hoạt nguồn cung ứng, cần phải có hướng đi mới. Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (Hansiba), trước đây, các DN trong ngành phải nhờ các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc... ủy thác chứng chỉ để sản xuất và cung ứng vào chuỗi toàn cầu. Đến nay, có DN CNHT tại Hà Nội đã nhận được chứng chỉ từ Hệ thống quản lý chất lượng IATF 16949 (tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô), từ đó đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Điều đó cho thấy, nhiều DN CNHT đã chủ động để nâng cao sức cạnh tranh, năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để thúc đẩy phát triển CNHT, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các DN, nhà quản lý cần xác định những "hạt giống có tiềm năng phát triển để từ đó có chính sách hỗ trợ tạo nên những DN đầu đàn. Và các DN đầu đàn này sẽ thu hút tạo dựng được liên kết với các DN và các thể chế liên quan, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững. Cùng với đó, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh kết nối giữa các DN CNHT và các cơ sở đào tạo để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của DN trong lĩnh vực này.